Đại gia dầu lửa Trung Đông đang thâm hụt ngân sách lớn do giá dầu lao dốc và bội chi ngân sách quốc phòng. Vì thế, họ phải sử dụng dự trữ ngoại hối và đi vay nước ngoài để bù đắp.
Thống kê cho thấy dự trữ ngoại hối của quốc gia này giảm 62 tỷ USD từ đầu năm, xuống còn gần 660 tỷ USD (tính đến hết tháng 6). Tháng trước, Ảrập Xêút cũng bán 4 tỷ USD trái phiếu – đợt phát hành đầu tiên từ năm 2007.
Quốc vương Ảrập Xêút – Salman bin Abdulaziz al-Saud trong một cuộc họp tháng 3. Ảnh: Bloomberg |
Thâm hụt ngân sách sẽ tương đương 20% GDP vào cuối năm nay, một tỷ lệ rất cao đối với một nước thường xuyên thặng dư như Ảrập Xêút. Capital Economics cũng ước tính đến hết năm 2015, nguồn thu của chính phủ nước này sẽ giảm 82 tỷ USD – tương đương 8% GDP. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tình trạng thâm hụt ngân sách sẽ còn tiếp diễn đến năm 2020.
Giá dầu thô giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái là nguyên nhân chính dẫn tới sự thất thu này. 50% GDP và 80% nguồn thu Chính phủ Ảrập Xêút phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ.
Dù vậy, họ cũng chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình khi chính sách tăng sản xuất để giữ thị phần của OPEC đang khiến nguồn cung dầu mỏ trên thế giới ngày càng dư thừa. Thêm vào đó, quốc gia này còn chi nhiều cho quân sự khi can thiệp vào xung đột Yemen và chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Năm ngoái, ngân sách quốc phòng nước này đã tăng 17%.
“Chúng tôi sẽ còn phải vay nhiều hơn trong những tháng tới”, Fahad al-Mubarak – Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Tiền tệ Ảrập Xêút tháng trước cho biết. Financial Times cũng nhận định quốc gia này đang quay lại thị trường trái phiếu với kế hoạch huy động 27 tỷ USD vào cuối năm nay.
Dù vậy, họ có thể chuyển hướng sang tận dụng nguồn dự trữ, thay vì đi vay, nếu lãi suất huy động từ thị trường tài chính thế giới tăng lên.
Đức Anh (theo CNN, FT)