Trước khi Facebook thực hiện đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào tháng 5/2012, hãng này được định giá 104 tỷ USD. Mặc dù giành được nhiều quan tâm từ giới đầu tư, song vụ IPO là một thất bại lớn của Facebook tại thời điểm đó.
Lo ngại gia tăng về chiến lược phát triển của hãng công nghệ này khiến nhà đầu tư liên tục bán ra cổ phiếu. Đầu tháng 9, giá trị vốn hóa Facebook giảm xuống còn một nửa so với lúc chào sàn. Sau đó Facebook dần hồi phục trở lại và trở thành tập đoàn có vốn hóa lớn thứ 8 nước Mỹ với giá trị đạt hơn 260 tỷ USD.
Những hãng công nghệ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân mới nổi của thung lũng Sillicon. Ảnh CNN |
Những hãng công nghệ mới nổi như Uber, Airbnb, Snapchat và Pinterest cũng có thể trải qua những kịch bản tương tự nếu tiến hành niêm yết. Một số nhà phân tích cho rằng những công ty tư nhân này đang cố gắng kéo giãn thời hạn IPO do những lo lắng và sự không kiên định của các nhà đầu tư phố Wall.
“Tôi đã gặp rất nhiều doanh nhân đang sống chung với mối lo ngại vô lý về IPO” – Brad Slingerlend, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Quỹ Janus Global Technology nói. Ông cho rằng những chủ doanh nghiệp sợ rằng công ty của họ sẽ bị phá sản trước khả năng nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.
Max Wolff – Kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Manhattan Venture Partners cho rằng một số hãng mới thành lập chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, do đó cũng sợ phát hành cổ phiếu. “Những mối lo ngại này khiến người ta lầm tưởng rằng phố Wall có văn hóa không đánh giá cao những công ty mới khởi nghiệp”, vị này nhận định.
Alibaba là một ví dụ. Năm ngoái tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc này đạt kỷ lục IPO khi lên sàn New York. Song đến nay giá trị vốn hóa của tập đoàn giảm 35% khiến Chủ tịch Jack Ma hối tiếc cho rằng nếu cho ông quyết định lại, ông sẽ giữ Alibaba là công ty tư nhân.
Tuy vậy, mãi mãi là một công ty tư nhân không phải là lựa chọn của những Uber hay những hãng công nghệ như Snapchat hay Pinterest. Bởi những nhà đầu tư mạo hiểm có nhu cầu thu lại lợi nhuận sau khi đầu tư, dù cho qua kênh IPO hay thông qua bán lại cho một tập đoàn nào đó. Cả hai lựa chọn này đều khó khăn, khi giá trị những hãng này ngày một lớn hơn.
Uber là một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Washingtonpost |
Uber là một trong những hãng startup lớn nhất thế giới, với giá trị được định giá 50 tỷ USD và đang rục rịch huy động thêm một tỷ USD. Điều này sẽ khiến công ty có giá trị cao hơn nhiều tập đoàn trong nhóm S&P500 như FedEx và GM.
Tuy vậy Uber cũng bị hoài nghi về tình hình tài chính của mình vốn theo truyền thống luôn được công ty giữ kín. Ngày hôm qua (5/8), Business Insider dẫn một nguồn tin không chính thức cho rằng Uber có thể đang lỗ nặng, do dữ liệu thống kê cho thấy các chi phí hoạt động doanh nghiệp liên quan đến marketing, bán hàng, quản trị doanh nghiệp đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Và những nghi ngờ kiểu như thế này sẽ khiến Uber gặp nhiều rủi ro lớn khi thực hiện IPO.
Dù vậy, theo Slingerlend, hoãn IPO quá lâu có thể gây nhiều bất lợi cho những công ty tư nhân như Uber. “Trở thành công ty đại chúng giúp công ty giữ lại nhân viên lâu hơn, củng cố thương hiệu và nâng cao hiệu quả hoạt động marketing” – Slingerlend khẳng định. Ông cũng cho rằng việc niêm yết cuối cùng sẽ có lợi hơn những thiệt hại ban đầu mà Google, Apple, Facebook là những ví dụ điển hình.
Đức Anh (Theo CNN)