Theo báo cáo mới công bố của HSBC, hoạt động xuất khẩu và sản xuất toàn cầu đang chậm lại. Các số liệu thương mại cho thấy thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa giảm 2%, trong khi sản xuất nhích thêm 2%, hai số liệu này đã bù trừ cho nhau. “Chiếc bánh xuất khẩu toàn cầu 19.000 tỷ USD đã không tăng trưởng trong năm 2014″, báo cáo viết.
Thị phần xuất khẩu của Việt Nam tăng trong năm 2014. |
Do đó, một quốc gia muốn tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn cách duy nhất là giành thị phần từ các nước khác, hoặc họ có thể “yên bình” trong cuộc chiến khi nắm giữ trình độ sản xuất cao, đạt được lợi thế so sánh trong một số ngành nhất định.
Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC đánh giá Việt Nam là trường hợp ngoại lệ trong bức tranh chung ảm đạm. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang ở vị thế tiếp tục đạt thêm một vài thị phần sản xuất toàn cầu”, cơ quan này cho hay. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ mức 0,7% tổng thương mại toàn cầu năm 2013 lên 0,8% năm 2014. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 cũng tiếp tục tăng từ mức 52,2 điểm trong tháng trước lên 52,6 điểm.
Cụ thể, Việt Nam có lợi thế so sánh chi phí lao động để thu hút các hoạt động sản xuất cần nhiều lao động. Chính phủ vừa qua cũng rất năng nổ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất bằng cách hỗ trợ các mức thuế ưu đãi và cải thiện cơ sở hạ tầng.
Không giống như đa số các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang có mối quan hệ thương mại lớn nhất với Mỹ và châu Âu – khu vực vẫn đang có đà tăng trưởng. Trên cơ sở Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, hoàn tất đàm phán FTA với EU và đang xúc tiến Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị phần xuất khẩu được kỳ vọng tiếp tục cải thiện.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu HSBC cho biết Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức, chủ yếu đến từ yếu tố trong nước hơn là khách quan bên ngoài. Thâm hụt ngân sách ngày càng rộng thêm khiến Bộ Tài chính mới đây phải cố gắng khai thác nguồn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng tiếp tục lấn át khối tư nhân có hoạt động đầu tư hiệu quả hơn… Bởi vậy, Việt Nam cần có những giải pháp để đối mặt với những rủi ro này trong tương lai.
Phương Linh