Việt Nam và EU sẽ cắt giảm 99% dòng thuế

Thông tin trên được ông Franz Jessen – Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cho biết tại buổi họp báo chiều 4/8, công bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tư do (FTA) với Việt Nam.

“Hiện hai bên chỉ giải quyết những vấn đề kỹ thuật, sau đó hoàn thiện văn kiện hiệp định trước khi đưa ra Hội đồng và Nghị viện châu Âu thông qua. Do quan hệ hợp tác với Việt Nam đã được thiết lập trong nhiều năm và được tăng cường qua đàm phán này, kỳ vọng quá trình này sẽ được hoàn thiện trong ít tháng và chắc chắn trước cuối năm”, đại diện EU cho hay.

Hiệp định sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký và khoảng 65% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực không phải chịu thuế ngay ngày đầu tiên. Cao ủy Thương mại EU – bà Malstrom đánh giá hiệp định với Việt Nam vượt trội so với các FTA mà EU đã ký với các nước đang phát triển, đồng thời thiết lập một tiêu chuẩn tốt trong thương mại giữa các nước thành viên với khu vực Đông Nam Á nói chung.

det-may-7032-1438689954.jpg

Dệt may sẽ được hưởng lợi lớn khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực. Ảnh: QH

Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, FTA Việt Nam – EU sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân và doanh nghiệp, từ mở cửa thị trường, đầu tư, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước… “FTA với EU là động lực để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, thu hút các dự án có giá trị đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải nỗ lực hết mức, thách thức là không nhỏ nên bên cạnh vai trò nhà nước, các doanh nghiệp phải chủ động chiến lược, học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam”, ông nhấn mạnh

Riêng nông nghiệp, Bộ trưởng chia sẻ các mặt hàng rau quả, thủy sản, gạo… của Việt Nam sẽ được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, ngược lại, trong nước sẽ có cơ hội nhập khẩu lúa mỳ, hoa quả ôn đới và các sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao từ EU.

Hiêp định Thương mại tự do Việt Nam – EU được khởi động đàm phán ngày 26/6/2012 và đã trải qua 14 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên đàm phán giữa kỳ và các cuộc trao đổi với Cao ủy Liên minh châu Âu. Bên cạnh việc xóa bỏ thuế quan, Việt Nam và EU sẽ gỡ bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu, tạo ra những cơ hội tiếp cận thị trường mới trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.

Hai bên sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế theo lộ trình, đối với rất ít dòng thuế còn lại sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được ký cho đến nay. Điều này tác động mạnh mẽ tới những sản phẩm hai bên có lợi thế như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy… của EU.

Trong lĩnh vực đầu tư, những hạn chế trong về sản xuất hàng thực phẩm, đồ uống, phi thực phẩm sẽ được dỡ bỏ hoặc hạ bớt. Nhờ đó, Việt Nam có cơ hội lớn trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.

EU và Việt Nam cũng đạt được thoả thuận về nguyên tắc trong lĩnh vực mua sắm Chính phủ phù hợp với các quy định của WTO. Hiệp định sẽ tăng cường việc bảo vệ những chỉ dẫn địa lý “GIs” đại diện cho những sản phẩm nông sản hàng đầu EU, như Champagne, pho mát Parmigiano Reggiano, rượu Rioja, pho mát Roquefort và Scotch Whisky. Những chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cũng sẽ được công nhận tương tự, tạo ra một khuôn khổ đầy đủ để thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm chất lượng như trà Mộc Châu hay cà phê Buôn Ma Thuột.

Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều đạt 36,8 tỷ USD năm 2014, tăng từ mức 4 tỷ USD năm 2000. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam với hơn 2.030 dự án còn hiệu lực đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 36 tỷ USD. Các nhà đầu tư trong khối có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Sau việc hoàn tất FTA với Singapore năm 2014, đây là FTA thứ hai giữa EU với một nước thuộc Đông Nam Á (ASEAN).

Phương Linh

0913.756.339