Mới vài năm trước, cuộc sống tại các quốc gia có trữ lượng kim loại quý lớn như Peru vẫn còn rất tươi sáng. Tăng trưởng kinh tế bùng nổ tại Trung Quốc khiến nhu cầu các kim loại dùng trong công nghiệp tăng mạnh. Giá cả vì thế cũng lên theo.
Xuất khẩu đồng chiếm một phần năm tổng xuất khẩu của Peru. Nhu cầu nguyên liệu thô khổng lồ đã giúp thị trường chứng khoán nước này tăng gấp ba từ cuối năm 2008 đến 2010
Nhưng giờ đây, Trung Quốc bắt đầu tiêu thụ ít kim loại khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Giá hàng hóa đã giảm đáng kể từ sau khi chạm đỉnh năm 2011. Những tháng gần đây, đà giảm lại càng mạnh. Vì vậy, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi kinh tế Peru chỉ còn tăng trưởng 1%, thay vì 7% như cuối năm 2013. Chứng khoán nước này cũng mất nửa giá trị trong hơn 3 năm qua.
Khai mỏ đóng góp lớn cho kinh tế Peru. Ảnh: Sacbee |
“Rất nhiều nước cho rằng họ sẽ được sống trong tuần trăng mật này cả đời. Nhưng rõ ràng điều đó đã không xảy ra. Thời kỳ huy hoàng đã qua rồi”, Win Thin – Giám đốc chiến lược tiền tệ các thị trường mới nổi tại Brown Brothers Harriman cho biết.
Đợt giảm giá gần đây nhất trên thị trường hàng hóa đã khiến tất cả kim loại đi xuống, từ vàng, bạc, đồng, quặng sắt đến bạch kim. Giá vàng từ 2 tuần nay đều đang ở quanh đáy 5 năm.
Dĩ nhiên, Peru không phải quốc gia duy nhất chịu ảnh hưởng từ việc này. Tỷ lệ thất nghiệp tại Chile đang tăng trở lại sau 8 năm ổn định. Kinh tế nước này dựa chủ yếu vào đồng – chiếm nửa kim ngạch xuất khẩu. Một phần tư số đó là sang Trung Quốc. Chile hiện còn có công ty đồng lớn nhất thế giới – Codelco.
Chỉ số chứng khoán FTSE South Africa của Nam Phi cũng giảm 7% trong 3 tháng qua. Chỉ số theo dõi hoạt động khai thác vàng mất 24% chỉ trong tháng 7. Nam Phi hiện là một trong những nước xuất khẩu kim cương, vàng và quặng sắt lớn nhất thế giới.
Australia cũng đang tìm cách ngăn cơn suy thoái kinh tế đầu tiên kể từ năm 1991. Tăng trưởng kinh tế của nước này dựa chủ yếu vào Trung Quốc. Các kim loại như sắt và vàng đóng góp hơn 25% xuất khẩu cho Australia. Bên cạnh đó, giá than, dầu và khí đốt giảm cũng đang khiến nước này điêu đứng.
Giá hàng hóa lao dốc đã khiến Brazil phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất 25 năm qua. Quặng sắt – sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước này đã rớt giá rất mạnh những năm gần đây, góp phần đẩy giá nội tệ Brazil xuống đáy 12 năm.
Zambia, Congo và các nước xuất khẩu kim loại quý khác có đối tác thương mại chính là Trung Quốc cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng từ cơn bão giảm giá gần đây. Giới quan sát đang lo ngại việc này sẽ khiến ngành khai mỏ nhiều nước sa thải hàng loạt, đẩy các quốc gia này vào suy thoái.
Đây là thời điểm rất tồi tệ với các nước đang phát triển, trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị nâng lãi suất. Việc này sẽ càng khiến khối nợ của họ phình to và nội tệ mất giá so với USD. “Khi Trung Quốc hắt hơi, các thị trường mới nổi sẽ sổ mũi”, Ed Yardeni – Chủ tịch Yardeni Research cho biết.
Không ai biết chắc khi nào giá kim loại sẽ bình ổn hay tăng trở lại. Không chỉ nhu cầu đang giảm vì Trung Quốc, mà nguồn cung cũng đang dư thừa. Nhiều năm giá cao đã khiến các hãng tăng công suất quá mạnh. “5 năm trước, tiền đổ vào mọi thứ. Còn giờ đây, nhiều dự án đã phải hủy bỏ vì chẳng có nhu cầu nữa rồi”, Daniel Linsker – Giám đốc hoạt động khai thác khu vực châu Mỹ tại Control Risks nhận xét.
Hà Thu(theo CNN)