– Chính phủ vừa đề cập tới khả năng ngân sách có thể phải vay từ dự trữ ngoại hối để tăng nguồn đầu tư, phát triển. Ông đánh giá như thế nào về ý tưởng này?
– Tôi cho rằng cơ quan điều hành chỉ coi đây là giải pháp mang tính dự phòng. Việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối không nên và không thể là kế sách căn cơ, lâu dài, song cũng cần tính đến, bởi nếu chi tiêu của Chính phủ sụt giảm, tốc độ phục hồi kinh tế sẽ chậm lại.
Khi dùng biện pháp này, nhiều người đề cập nguy cơ tiền đồng (VND) mất giá. Do đó, cần đặt ra các giới hạn về mức lạm phát mục tiêu, mức phá giá VND cho mỗi năm hay mỗi thời kỳ…, tức là kiểm soát đầu ra chứ không phải đầu vào của chính sách.
Khi các giới hạn này được thể chế hoá, ngân sách sẽ không thể vay dự trữ ngoại hối một cách tuỳ ý và Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không thể lúc nào cũng phát hành tiền để tài trợ cho chi tiêu, dù thông qua quỹ dự trữ ngoại hối hay thị trường tài chính. Khi đó, các quyết định sẽ phải dựa trên cân nhắc về lợi ích và chi phí đối với nền kinh tế.
– Cụ thể, việc cho vay với các khoản chi đầu tư phát triển mang tính dài hạn như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến dự trữ ngoại hối và giá trị tiền đồng, thưa ông?
– Đặt giả định ngân sách vay một tỷ USD từ dự trữ ngoại hối sẽ có hai trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất, sau khi vay, Bộ Tài chính không bán lại ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước và sử dụng cho các khoản cần đến đôla, quy mô quỹ dự trữ sẽ bị sụt giảm về mặt tuyệt đối. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ nước ngoài của quốc gia.
Dự trữ ngoại tệ giảm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường ngoại hối, nhưng lúc này, thị trường lại vừa có thêm một tỷ USD nên áp lực phải can thiệp sẽ bớt đi. Chỉ khi lượng ngoại tệ chảy ra bên ngoài nền kinh tế, lúc đó mới xuất hiện áp lực giảm giá VND.
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Độ, dù vay từ quỹ dự trữ ngoại hối thì bản chất câu chuyện vẫn là ngân hàng trung ương tài trợ cho ngân sách. Ảnh: Anh Quân. |
Trường hợp thứ hai, sau khi vay một tỷ USD, Bộ Tài chính bán lại số ngoại tệ này cho chính Ngân hàng Nhà nước. Khi trả nợ, ngân sách lại mua một tỷ USD từ Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, quy mô của quỹ dự trữ ngoại hối sẽ vẫn như cũ, nếu bỏ qua các khoản trả lãi suất và chênh lệch tỷ giá. Lúc đó, việc vay nợ qua quỹ dự trữ ngoại hối chỉ là một “nghiệp vụ”.
Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước mua lại một tỷ USD đã cho Bộ Tài chính vay, quy mô của quỹ dự trữ ngoại hối sẽ bị giảm về mặt tương đối, bởi lượng VND trong nền kinh tế đã tăng lên.
– Như ông nói, đây chỉ là biện pháp mang tính tạm thời để chữa cháy cho ngân sách. Vậy hướng giải pháp căn cơ là gì?
– Sở dĩ Chính phủ phải nghĩ đến phương án “lạ” này là bởi thời gian qua khó huy động trái phiếu Chính phủ vì một số ngân hàng gặp trở ngại về “room” đầu tư trái phiếu theo Thông tư 36 mới hiệu lực. Bên cạnh đó, tốc độ giảm của lãi suất đã bắt đầu chậm lại, nên xu hướng đầu tư ngắn hạn để kiếm lợi nhuận khi giá trái phiếu tăng, lãi suất giảm không còn hấp dẫn như trước. Với các nhà đầu tư trung và dài hạn, họ cũng giảm hứng thú khi lãi suất huy động kỳ hạn 5 năm chỉ ở mức 5,5%.
Theo tôi cần tháo gỡ những trở ngại để các kênh huy động vốn truyền thống, qua việc Ngân hàng Nhà nước có thể tăng mua trái phiếu từ các ngân hàng (tăng cung tiền và hạ lãi suất), qua đó giải phóng “room” để các tổ chức tín dụng này tiếp tục mua trái phiếu phát hành mới. Giải pháp này có thể giải quyết được cả 2 vấn đề liên quan đến những hạn chế về định lượng cũng như lãi suất.
– Nếu nâng lãi suất huy động trái phiếu, hệ quả sẽ như thế nào ?
– Việc này có thể tăng thêm rủi ro về trả nợ trong tương lai. Nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào mức lạm phát trong nền kinh tế. Nếu lạm phát tiếp tục thấp như hiện nay, vay trung dài hạn với lãi suất 6-7% sẽ tạo nên gánh nặng trả nợ lớn trong tương lai và Chính phủ sẽ lại phải vay để đảo nợ.
Hơn nữa, phương án tăng lãi suất cũng sẽ không giúp cải thiện tình hình một cách đáng kể, nếu nguyên nhân chính dẫn đến việc khó huy động vốn là những hạn chế về mặt định lượng được quy định tại Thông tư 36.
– Vậy còn giải pháp Ngân hàng Nhà nước nên nới lỏng tiền tệ, ông nghĩ sao?
– Theo tôi, dư địa để Ngân hàng Nhà nước tăng mua trái phiếu Chính phủ vẫn còn. Vài năm gần đây, khi các ngân hàng gom nhiều để kiếm lời, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung bơm tiền ra nền kinh tế thông qua việc mua USD.
Đến nay, khi áp lực lên tỷ giá tăng và Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng hết “room” điều chỉnh, để ổn định thị trường ngoại hối, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ mua ít USD hơn và tập trung bơm tiền ra thông qua kênh OMO, tức là mua trái phiếu, đồng thời thực hiện mục tiêu hạ lãi suất cho vay trung dài hạn thêm 1-1,5% theo chỉ đạo của Chính phủ.
Một giải pháp khác là cần đặt ra mức lạm phát mục tiêu thấp trong dài hạn, chẳng hạn trong khoảng 2-3% một năm thay vì từng năm một, từ đó kéo lãi suất danh nghĩa xuống. Lãi suất cho vay dài hạn sẽ phải phụ thuộc vào lạm phát trong dài hạn và Chính phủ cần đưa ra một cái neo để thị trường bám vào đó.
Thanh Thanh Lan