Việt Nam ký FTA với Hàn Quốc

Nội dung của hiệp định (VKFTA) bao gồm các quy chế đối với thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS). Hiệp định cũng đưa ra các quy tắc về xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại điện tử, cạnh tranh, hợp tác kinh tế, thể chế và pháp lý…

FTA-Han-Quoc-7292-1430813707.jpg

Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc – Yoon Sang-jick (trái) và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại lễ ký sáng 5/5. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo cơ quan quản lý, với hiệp định này, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới, nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của đối tác. Trong khi đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng được khuyến khích hơn trong việc đầu tư vào Việt Nam, nhờ môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng hơn.

VKFTA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế hoàn tất đàm phán năm 2014. Sau khi ký kết, hai nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn theo quy định pháp luật của từng nước.

Phát biểu trước báo giới hai nước sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định đối tượng được hưởng lợi của Việt Nam thông qua Hiệp định này là khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, khu vực công nghiệp chế biến, khu vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy. Với VKFTA xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang Hàn Quốc, đặc biệt là hàng nông thủy sản, công nghiệp chế biến sẽ có mức độ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Ngược lại, những hàng hóa Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu, phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo và cung cấp nguyên vật liệu cho lĩnh vực dệt may, da giày, những mặt hàng mà Hàn Quốc có thế mạnh cũng sẽ gia tăng được khối lượng xuất khẩu vào Việt Nam.

Hàn Quốc hiện là đối tác quan trọng mang tầm chiến lược của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 28,9 tỷ USD và đứng thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam trên toàn thế giới nói chung và xếp thứ 2 trong các quốc gia ở châu Á nói riêng sau Trung Quốc.

“Trong thời gian tới, khi hai bên thực thi Hiệp định chắc chắn quy mô và chất lượng trong hợp tác đối với lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ có những bước tiến nhảy vọt và chúng ta hoàn toàn có điều kiện để tin rằng mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đạt 70 tỷ USD vào năm 2020 là khả thi”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ 2, tính từ ngày hai bên thông báo bằng văn bản về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ hoặc tại một thời điểm khác theo thỏa thuận.

T.Đức

0913.756.339