Doanh nghiệp địa ốc lạc quan với kịch bản tăng lãi đột biến

Giữa tháng 4, khá nhiều doanh nghiệp địa ốc và xây dựng đang làm nóng mùa đại hội cổ đông thường niên 2015 bằng những chỉ tiêu tăng trưởng cao. Sau 7-8 năm bất động sản khủng hoảng, niềm tin của các chủ đầu tư và nhà thầu đã trở lại mạnh mẽ với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đua nhau leo thang.

Trong khi đại gia đình đám như Vingroup (mã CK: VIC) lên kế hoạch doanh thu năm 2015 khoảng 30.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng thì Hoàng Quân, Phát Đạt, Khang Điền… cũng tự tin thắng lớn.

Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Mã CK: HQC) trình cổ đông doanh thu tối thiểu năm nay là 3.200 tỷ đồng, trong đó có 1.600 tỷ đồng từ nhà ở xã hội, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ. Chỉ tiêu lãi tăng tới 10 lần so với 2014.

Cổ đông HQC cũng bị sốc với kế hoạch táo bạo này bởi dòng sản phẩm chủ đạo mang về nguồn thu cho công ty là nhà ở xã hội, tiến độ giải ngân khá chậm. Tuy nhiên, Chủ tịch HQC, Trương Anh Tuấn tuyên bố mức lợi nhuận đăng ký năm 2015 có đầy đủ cơ sở, thậm chí ông còn hứa sẽ từ chức nếu không hoàn thành kế hoạch đề ra. 

Trong khi đó, nhận định triển vọng phục hồi của bất động sản khá tốt, HĐQT Công ty Phát Đạt (mã CK: PDR) hoạch định chiến lược kinh doanh khủng cho 3 năm tới. Năm 2015 lợi nhuận trước thuế dự kiến 300 tỷ, tăng 6 lần so với năm ngoái. Chủ tịch PDR, Nguyễn Văn Đạt cho biết: “Năm 2015 chỉ là tiền đề. Năm tới lợi nhuận của công ty có thể đạt 685 tỷ đồng và năm 2017 ước khoảng 1.120 tỷ đồng”.

a-tb-3-dia-oc-lac-quan-voi-kic-1985-3889

Khá nhiều chủ đầu tư và nhà thầu vẽ ra kịch bản tươi sáng cho năm tài chính 2015 với kế hoạch lợi nhuận gấp nhiều lần so với năm 2014. Ảnh: Vũ Lê

Ở phân khúc nhà phố xây sẵn, Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) cũng lạc quan không kém. Chủ tịch KDH, Lý Điền Sơn nhận định 2015 sẽ là giai đoạn phát triển vượt bậc của doanh nghiệp. Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng 1.000 căn nhà (pháp lý hoàn chỉnh, tiện ích đầy đủ) để tung ra thị trường. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế ước tính 200 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước (100 tỷ đồng).

Kế hoạch kinh doanh năm 2015 của Vạn Phát Hưng cũng vượt trội hơn những năm trước với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 81 tỷ đồng. Không ít cổ đông của công ty bày tỏ lo ngại mục tiêu lợi nhuận này khó hoàn thành nổi. Bởi lẽ lợi nhuận năm ngoái doanh nghiệp đạt không quá 10% kế hoạch, chỉ lãi vài tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành xây dựng cũng có mục tiêu tăng trưởng cao không kém ngành địa ốc. Điển hình là Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã CK: HBC) đề ra kế hoạch doanh thu 5.300 tỷ đồng, tăng 50%. Lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng, tăng 150% so với năm trước.

Công ty cổ phần Xây dựng Cotec – Coteccons (Mã CK: CTD) báo cáo cổ đông, với 50 hợp đồng đã ký, mỗi năm bàn giao 25-30 dự án doanh nghiệp tự tin sẽ cán mốc doanh thu 9.200 tỷ đồng trong năm nay. Lợi nhuận sau thuế của CTD 400 tỷ đồng, năm ngoái mức lãi ròng đạt 327,4 tỷ. Đây là tốc độ tăng trưởng lý tưởng của ngành xây dựng. Cổ tức năm 2015 dự kiến khoảng 30% mệnh giá bằng tiền mặt.

Trao đổi với VnExpress, ông Huỳnh Phước Nghĩa – Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) nhận xét, bất động sản và xây dựng có liên quan mật thiết với nhau. Đây là hai thị trường phái sinh của nhau nên khi địa ốc khởi sắc thì các nhà thầu cũng được hưởng lợi. Vì vậy, cả hai ngành này cùng đặt mục tiêu lợi nhuận cao khi địa ốc dần hồi phục là điều dễ hiểu.

Theo ông Nghĩa, có khá nhiều cơ sở để các doanh nghiệp lạc quan về kịch bản năm 2015. Đó là các chính sách hỗ trợ thị trường, lãi suất hạ, thanh khoản tăng trở lại, niềm tin của nhà đầu tư dần hồi phục, khối ngoại quan tâm nhiều hơn đến bất động sản Việt Nam… Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn dành cho thị trường bất động sản 2015 cái nhìn đầy thận trọng.

“Tiền chảy vào bất động sản thường chậm hơn các ngành khác”, chuyên gia GIBC phân tích. Trung bình dòng tiền từ lúc bán hàng đến khi nằm gọn trong tay chủ đầu tư phải mất 1,5-2 năm. Do đó dù thị trường đã xuất hiện nhiều tín hiệu tăng tốc nhưng vẫn cần phải cân nhắc đến độ trễ của dòng tiền. Đặc thù ghi nhận doanh thu của các dự án nhà ở chậm hơn các ngành sản xuất tiêu dùng khác cũng vì lý do này.

Một điểm cần lưu ý thêm là khối nợ xấu, dự án chết và hàng tồn kho bất động sản tuy đã vơi đi nhưng vẫn còn đó, chưa được thanh lọc triệt để. Đây là những rủi ro tiềm ẩn cần phải tính đến vì “khối u” này vẫn ngấm ngầm tạo ra sức ì làm suy giảm khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Quan điểm của ông Nghĩa, bản chất của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn thuộc nhóm thiếu bền vững, nặng tính phong trào, chưa có nhiều nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp. Ngoại trừ nhóm đại gia (số ít) trường vốn, có quỹ đất lớn, thương hiệu mạnh, sức khỏe tài chính tốt có thể tự định liệu được kịch bản lợi nhuận khủng, đa phần các công ty vừa và nhỏ cần có cái nhìn thực tế hơn.

Với các doanh nghiệp tầm trung, ông Nghĩa cho rằng không nên báo cáo cổ đông kế hoạch biên lợi nhuận tăng đột biến. “Mức lãi ròng phù hợp nhất của ngành bất động sản hiện nay không vượt quá ngưỡng 15% và an toàn nhất là 10-12%. Năm 2015 vẫn chưa là thời điểm để lạc quan thái quá”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vũ Lê

0913.756.339