Thông tin sáp nhập trên đã được đại hội cổ đông Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thông qua ngày 24/4. Chủ tịch SHB – ông Đỗ Quang Hiển cho biết sau khi sáp nhập, VVF sẽ phát triển thành công ty tài chính tiêu dùng.
“Việc nhận sáp nhập công ty này sẽ giúp SHB có được thế mạnh từ hệ thống khách hàng của Viettel để đẩy mạnh mảng dịch vụ tiêu dùng. Ngoài ra, tổng tài sản của VVF theo đánh giá thì cao hơn mệnh giá của cổ phiếu VVF hiện nay, vì vậy, việc hoán đổi cổ phiếu VVF – SHB theo tỷ lệ 1:1 là hợp lý”, ông Hiển phát biểu.
Cùng với đó, SHB sẽ phát hành hơn 62 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2014 theo tỷ lệ 7%. Sau khi phát hành 162 triệu cổ phiếu trên, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ trên 8.865 tỷ đồng lên trên 10.486 tỷ đồng.
VVF có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tập đoàn Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 65% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, từ cuối năm 2014, thị trường đã có thông tin SHB muốn nhận sáp nhập VVF để phát triển mảng cho vay tiêu dùng. Theo dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng không được tự cho vay tiêu dùng mà phải thông qua công ty tài chính riêng.
SHB từng có kinh nghiệm mua bán – sáp nhập (M&A) khi nhận sáp nhập Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) năm 2012. Sau hơn hai năm, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sau khi sáp nhập đã giảm xuống 2,02%.
Năm 2015, ngân hàng đặt mục lợi nhuận trước thuế 1.120 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 11% và có thể điều chỉnh lên mức 15% tùy theo tình hình. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu 7,5%. Trước đó, năm 2014, SHB lãi trước thuế 1.012 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 36%.
Phương Linh