99% hàng xuất sang châu Âu được bỏ thuế sau 7 năm

Ngày 2/2, Bộ Công Thương chính thức công bố toàn văn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu – EU (EVFTA). Đây là bước triển khai tiếp theo kể từ sau khi hai bên kết thúc quá trình đàm phán hiệp định vào tháng 12/2015 và tiến tới hoàn tất các thủ tục cần thiết để EVFTA có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Gần 86% dòng thuế, tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sau 7 năm, mức tự do hóa sẽ tăng lên 99% dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

99-hang-xuat-sang-chau-au-duoc-bo-thue-sau-7-nam

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.

Dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) – những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm này trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.

Đối với gạo, phía Liên minh Châu Âu dành hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Đối với sản phẩm từ gạo, thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm.

Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh gần như sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Liên quan đến các mặt hàng nhập khẩu từ EU, thuế với ôtô, xe máy sẽ về 0% sau 9 tới 10 năm. Riêng xe máy có dung tích xy-lanh trên 150 cm3, lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 7 năm. Rượu vang, rượu mạnh, bia, thịt lợn và thịt gà có thời gian xóa bỏ thuế tối đa là 10 năm.

EVFTA cũng đặt mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên, như một số dịch vụ chuyên môn là dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối….

Ngoài ra, EVFTA cũng bao gồm các chương liên quan tới mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý – thể chế.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được hoàn tất sau gần 3 năm đàm phán. Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định đây là một hiệp định rất tham vọng, khi đi vào hiệu lực, hiệp định sẽ có lợi cho cả hai phía. “Việt Nam sẽ được tiếp cận lâu dài đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của mình, đó là Liên minh châu Âu”, ông cho biết.

EU hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất củ Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai. Kim ngạch xuất khẩu sang EU đã tăng trưởng gấp 3 lần trong vòng 5 năm gần đây, đạt 30,9 tỷ USD trong năm 2015, trong khi giá trị nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD. Trong năm 2015, EU đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, vươn lên từ vị trí thứ 6 so với năm trước.

Huyền Thư

0913.756.339