5 nỗi lo của doanh nghiệp khi nộp thuế điện tử

Sợ mất tiền

Đăng ký nộp thuế điện gần hơn một năm nay, nhưng sau một lần giao dịch thất bại, anh Hưng – giám đốc một cơ sở sản xuất nội thất tại Hà Nội cảm thấy không yên tâm với phương thức nộp thuế mới. Anh cho biết trước đó đã tiến hành chuyển tiền từ ngân hàng đến kho bạc để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Sau khi hoàn tất các giao dịch, anh không nhận được bất cứ xác nhận nào của cơ quan liên quan.

Vừa lo mất tiền, vừa ngại doanh nghiệp bị vào danh sách nợ thuế, anh đã cầm tiền mặt đến tận ngân hàng để nộp. “Khi đó ngân hàng mới thông báo tôi đã đóng tiền. Một khi hạ tầng công nghệ giữa các bên chưa liên thông tốt với nhau sẽ tạo ra phiền toái cho doanh nghiệp”, anh nói.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho biết gặp trục trặc trong giao dịch như nghẽn mạng khó kiểm soát được số tiền đã chuyển thành công hay đang bị “treo”. Nếu các bên liên quan không xác nhận thông tin thì doanh nghiệp không có bằng chứng để chứng minh số tiền thuế đang giao dịch.

5-noi-lo-cua-doanh-nghiep-khi-nop-thue-dien-tu

Mất tiền, thêm chi phí, lộ bảo mật, không tin tưởng nhân viên khi giao chữ ký số… đang là nhiều băn khoăn của doanh nghiệp khi nộp thuế điện tử.

Thêm chi phí 

Nhiều doanh nghiệp cho biết khi tiến hành thao thác nộp thuế điện tử họ phải chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào kho bạc và chịu phí chuyển khoản hoặc phí chuyển tiền liên ngân hàng. Điều này khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng lên.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP HCM, với hơn 10 tỷ đồng tiền thuế mà công ty phải nộp thông qua phương thức mới thì doanh nghiệp ông phải tốn thêm vài triệu đồng mỗi tháng. Số tiền thuế càng lớn thì phí càng tăng. Trong khi trước đó doanh nghiệp nộp tiền mặt tại ngân hàng hoàn toàn không mất phí. “Chúng tôi sẵn sàng mất thời gian ra ngân hàng nộp để tiết kiệm được khoản tiền đó”, ông bày tỏ.

Ngoài ra, một số đơn vị cho biết để thực hiện việc nộp thuế điện tử, ngoài thay đổi hạ tầng công nghệ thì phải thay đổi cả hệ thống quản lý mạng lưới nội bộ công ty. Chưa kể đến việc phân cấp quản trị nội bộ. Điều này ít nhiều tăng thêm chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Lộ bảo mật

Thực tế, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ thuê nhân viên kế toán làm thời vụ. Do đó, họ cho rằng sẽ là rủi ro nếu giao chữ ký số cho nhân viên. Chủ một công ty xây dựng cho biết, trước đến nay ông ký ủy nhiệm chi cho kế toán đến ngân hàng thực hiện nộp thuế. Nay, khi chuyển sang phương thức điện tử phải sử dụng chữ ký số, bản thân ông không hoàn toàn yên tâm nếu giao thiết bị cho kế toán thời vụ, sợ bị lợi dụng quyền hạn hoặc lộ thông tin doanh nghiệp.

Trong trường hợp đích thân giám đốc doanh nghiệp chủ động sử dụng chữ ký cũng khó bởi không phải lúc nào lãnh đạo công ty cũng ở trụ sở. “Theo tôi, cơ quan thuế nên cho song hành hình thức ủy nhiệm chi và nộp thuế điện tử. Doanh nghiệp dựa vào điều kiện thực tế thấy phương án nào phù hợp thì chọn lựa”, ông nói. 

Thay đổi hạ tầng công nghệ

Hiện phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của cả lãnh đạo lẫn nhân viên doanh nghiệp chưa đồng đều nhất là các đơn vị kinh doanh tại nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Bà Hoa – chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm tại Thanh Hóa cho biết do quy mô siêu nhỏ, sản xuất hàng xong đem đi phân phối thị trường, mọi kênh đều thông qua điện thoại liên lạc, ít khi sử dụng máy tính để giao dịch. Nay với quy định mới buộc doanh nghiệp phải đầu tư máy tính, cập nhật công nghệ chỉ để phục vụ việc nộp thuế thì hơi lãng phí. Trong khi đó, trước nay mỗi kỳ nộp thuế, nhân viên đều ra tận ngân hàng giao dịch không thấy gì quá bất tiện“, chủ cho hay.

Ngoài ra, hiện mỗi doanh nghiệp đều có tài khoản tại một vài ngân hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, trong đó có ngân hàng không nằm trong danh sách kết nối giao dịch nộp thuế điện tử. Do vậy, khi đăng ký không ít doanh nghiệp ngại thay đổi hoặc mở thêm tài khoản tại ngân hàng mới.

Ngân hàng tự ý trừ tiền trong tài khoản

Còn hơn một tỷ đồng trong tài khoản vừa đến kỳ đáo hạn ngân hàng vừa đến ngày tất toán thuế, anh Vũ Đình Mạnh – giám đốc công ty may mặc tại TP HCM tính toán sẽ dành nộp thuế trước để không bị khóa hóa đơn, sau đó thu hồi các khoản nợ để trả ngân hàng sau.

Tuy nhiên, khi nhân viên thao tác giao dịch nộp thuế đều không thành công. Truy vấn anh được biết số tiền trong tài khoản không đủ nộp. Sau khi phản ánh với ngân hàng, anh mới hay ngân hàng đã tự động trừ số dư tài khoản cho khoản nợ vay đến hạn của ngân hàng trước. Do đó, anh phải tất tả tìm nguồn tiền khác để kịp đến phòng giao dịch nộp thuế.

Dù rất ủng hộ phương thức thu thuế mới song anh Mạnh cho rằng việc ngân hàng tự ưu tiên sử dụng tiền của doanh nghiệp trong tài khoản sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động.

 Ngày 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin.

Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 sẽ là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính.

Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF và đăng ký tham dự.

Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ.

Kỳ Duyên

0913.756.339