Dù có xung đột địa chính trị với nhiều quốc gia trong khu vực, xét về phương diện kinh tế, chính sách của Trung Quốc vẫn ít nhiều có lợi cho các nước láng giềng.
1. Xuất khẩu
Theo số liệu mới nhất, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong năm 2013. Singapore, Malaysia và Việt Nam là ba nền kinh tế có quan hệ thương mại lớn nhất với Trung Quốc, theo nhận định của nhà kinh tế học Glenn Maguire tại ANZ.
Bên ngoài trung tâm mua sắm Siam Center ở Bangkok. Ảnh: Bloomberg |
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thị trường Trung Quốc và sự hồi phục của kinh tế Mỹ. Sự kết hợp này sẽ giúp các nền kinh tế mở tại Đông Nam Á tăng xuất khẩu và sản xuất trong nửa cuối năm nay”, ông cho biết. Wai Ho Leong, nhà kinh tế học từ Barclays cũng cho rằng các nhà cung cấp Thái Lan, Malaysia và Indonesia sẽ hưởng lợi từ mức cầu đang tăng dần của thị trường đông dân nhất thế giới.
2. Du lịch
Trong khi giá cả hàng hóa vẫn đang chịu nhiều áp lực do nguồn cung dồi dào và thị trường nhà đất chỉ hồi phục nhẹ, thì niềm tin tiêu dùng nhích lên và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đang thúc đẩy du lịch Trung Quốc, ông Frederic Neumann – Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại HSBC cho biết. “Ngành du lịch đang có xu hướng bùng nổ ở châu Á. Ngày càng có nhiều khách du lịch Trung Quốc tới Thái Lan, Malaysia và nhiều nơi khác”, ông cho biết.
3. Tiền tệ
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tháng trước đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng. Đây là lần cắt giảm mạnh tay nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo ANZ, việc làm này có thể sẽ làm lợi cho đôla Singapore và ringgit Malaysia.
Đôla Singapore sẽ có lợi thế so với USD, nếu bất kỳ đồng tiền nào trong rổ tiền tệ mà quốc đảo này dùng để thiết lập tỷ giá mạnh lên. “Ở khu vực Đông Nam Á, đôla Singapore sẽ có lợi khi tâm lý rủi ro nhìn chung được cải thiện. Còn đồng ringgit sẽ hưởng lợi gián tiếp tiếp nếu giá hàng hóa tiếp tục được hỗ trợ bởi quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBOC”, hai chiến lược gia Khoon Goh và Irene Cheung tại ANZ nhận xét.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học vẫn chưa xác định rõ được Trung Quốc sẽ đem lại được bao nhiêu lợi ích cho kinh tế Đông Nam Á. “Các biện pháp kích thích của Trung Quốc sẽ chỉ tạo ra tăng trưởng kinh tế nhỏ cho Đông Nam Á. Rõ ràng, lập trường của nước này đã có tác động tích cực tới tâm lý toàn châu Á, giảm thiểu được những rủi ro đi kèm mà Trung Quốc đang đối mặt. Tuy vậy, khả năng biến những tác động này thành tăng trưởng cho các quốc gia châu Á khác vẫn còn rất khiêm tốn”, Neumann cho biết.
Hà Tường(theo Bloomberg)