Ngoài vải tươi được tiêu thụ chính vụ (từ tháng 6-7 trong năm), thì tại Lục Ngạn (Bắc Giang) một lượng lớn vải sấy khô được dành để bán trong dịp cuối năm. Phần nhỏ còn lại bán tại thị trường trong nước, đa số đều do các tiểu thương tại vùng trồng và địa phương lân cận thu gom từ trước để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời điểm này rất nhiều tiểu thương tại vùng vải Lục Ngạn đang như “ngồi trên đống lửa” bởi phía Trung Quốc đã ngừng thu mua từ nhiều ngày nay kéo theo giá bán giảm xuống còn trên dưới 10.000 đồng mỗi kg.
Có thâm niên “đánh hàng” vải khô hơn 10 năm, trao đổi với VnExpress, chị Nguyễn Thị Hà (xã Quý Sơn) cho biết chưa bao giờ việc kinh doanh lại khó khăn như dịp này. “Năm nay vải sấy ế lắm. Như mọi năm đến tháng 12 âm lịch là không còn hàng để bán, nhưng nay không hiểu sao phía Trung Quốc ngừng nhập hàng. Chính vụ thì vải tươi tồn ế, cuối năm lại đến vải sấy”, chị than phiền và cho biết lúc này không biết làm thế nào để tiêu thụ hết lượng hàng đang gửi kho gần cửa khẩu.
Vải sấy chủ yếu vẫn xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và hiện có giá bán dưới 10.000 đồng tại cửa khẩu. |
Theo chị Hà, lúc này, giá bán vải sấy tại kho còn 10.000 đồng mỗi kg loại đẹp, các loại khác thậm chí chỉ vài nghìn đồng mỗi kg, song vẫn không ai thu mua. Hiện chị còn tồn 2 lô hàng (khoảng gần 5 tấn vải) tại kho gửi. “Với cả trăm kho dọc đường lên cửa khẩu thì chắc chắn còn hàng tồn nhiều vì không chỉ có vải Lục Ngạn mà từ các vùng khác của Hải Dương đưa lên”, chị nói.
Cùng tâm trạng anh Bùi Văn Hưng (thị trấn Chũ) cũng cho biết do bỏ số tiền lớn thu gom tại các cơ sở sấy từ sau khi vụ thu hoạch hồi tháng 7, tổng cộng cả chục tấn nhưng lúc này anh xuất mới bán được khoảng 4 tấn. Số còn lại một nửa anh gửi kho cửa khẩu, một phần giữ tại nhà.
“Giá bán dạo trước luôn ở mức 30.000-40.000 đồng một kg, nay rớt nhiều quá tôi không dám đưa hàng lên nữa. Vì sợ thêm các chi phí đóng hàng, vận chuyển. Tạm tính đến lúc này tôi thiệt hại gần 300 triệu đồng cho vụ hàng. Con số này vẫn ít so với những người buôn lớn”, anh chia sẻ. Về nguyên nhân, anh cho biết có tìm hiểu phía đối tác nhưng cũng được họ nói lại là do “sức tiêu thụ bên đó giảm, có nhập về cũng không bán được hàng”.
Thực tế, theo anh, một vài năm trước cũng xảy ra việc tiểu thương Trung Quốc ngưng mua hàng nhưng chỉ một vài ngày và mức giá thấp nhất cũng chỉ 12.000-15.000 đồng mỗi kg. “Không như năm nay, rất khó hiểu. Thông thường bán thuận thì 1-2 ngày chúng tôi lên cửa khẩu giao dịch, nay cả chục ngày rồi tôi cũng chẳng buồn lên xem xét hàng trong kho thế nào”, anh cho hay.
Về phía lò sấy, anh Linh ở Quý Sơn cho biết lúc này gần như tại các cơ sở sấy không còn hàng tồn. Bởi chủ yếu các đầu mối thu gom hàng khô từ vài tháng trước để dành bán cuối năm. “Sớm thì sau chính vụ không lâu vải khô không còn mà bán hết, muộn thì chỉ đến tháng 10 là tiểu thương đã mua hết hàng. Nên lúc này, gần như các lò sấy không bị hàng tồn”, anh cho biết.
Theo anh, nếu có thì chỉ tại một số lò sấy của nhà dân, do sản lượng thu hoạch quá lớn không thể bán kịp trái tươi họ giữ lại tự sấy để cung cấp thị trường trong nước. Thời điểm này tại các trang web bán hàng, vải sấy Lục Ngạn đang được khá nhiều người rao bán với nhiều mức giá khác nhau dao động từ 40.000-120.000 đồng mỗi kg.
Thành Tâm