WB dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,8% năm nay, giảm so với 3% hồi tháng 1. Dù vậy, số liệu cho hai năm tới vẫn được giữ nguyên tại 3,3% và 3,2%.
Cơ quan này cũng hạ triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển xuống 4,4% và 5,2% trong năm nay và năm sau. Dự báo cũ là 4,8% và 5,3%. “Các nước đang phát triển từng là cỗ máy tăng trưởng sau khủng hoảng kinh tế, nhưng giờ họ đang đối mặt với môi trường kinh tế khó khăn hơn”, Chủ tịch World Bank – Jim Yong Kim cho biết.
Kinh tế toàn cầu được dự báo giảm nhẹ trong năm nay. Ảnh: DPA |
Giá dầu và các hàng hóa khác thấp càng làm trầm trọng thêm vấn đề suy giảm tại những nước dựa nhiều vào xuất khẩu tài nguyên, WB nhận xét. Các nước đang phát triển cũng phải đối mặt với tình trạng tỷ giá bất lợi, do đôla Mỹ mạnh lên trước khả năng Cục Dự trữ liên bang (FED) tăng lãi suất.
Tiền tệ mất giá mạnh nhất tại các quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng lớn từ bên ngoài và triển vọng tăng trưởng đang xuống cấp, chủ yếu là các nước xuất khẩu hàng hóa. Đồng real Brazil và ringgit Malaysia đã giảm tới 17% và 7% so với USD năm nay.
Khi FED bắt đầu nâng lãi suất, những thách thức này sẽ tăng lên, lãi suất đi vay với các nước mới nổi sẽ tăng cao và thị trường tài chính sẽ biến động mạnh. Nếu sau đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn dài tại Mỹ tăng 1%, dòng vốn chảy vào các nước mới nổi có thể giảm 18-40%, WB tính toán.
Dù vậy, kinh tế toàn cầu vẫn được dự báo tăng nhẹ giai đoạn 2016-2017, do các nước phát triển dần lấy lại đà tăng trưởng. GDP các nước thu nhập cao được dự báo tăng 2% năm nay, 2,4% năm tới và 2,2% năm 2017. “Nâng dự báo tăng trưởng phản ánh đà hồi phục tại khu vực đồng euro, hoạt động sản xuất tăng lên tại Mỹ và chính sách tiền tệ, tài khóa cũng như nỗ lực cải tổ cấu trúc của Nhật Bản”, báo cáo nhận xét.
Tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, tăng trưởng được dự báo giảm nhẹ về 6,7% năm nay và duy trì trong vài năm sau đó, phản ánh sự chững lại của Trung Quốc. Indonesia và Malaysia phải chịu áp lực từ giá dầu, gas, dầu cọ và cao su thế giới giảm. Ảnh hưởng từ thắt chặt tài khóa (tại các nước như Malaysia và Việt Nam) và chính sách vĩ mô thận trọng (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan) có thể được bù đắp lại bằng đà phục hồi của đầu tư và xuất khẩu, song song với đà phục hồi toàn cầu. Tại Việt Nam, GDP năm nay được dự báo tăng 6%, nhích dần lên 6,2% và 6,5% trong 2 năm sau đó.
Hà Thu