VPBank dự kiến bán 5.000 tỷ đồng vốn cho đối tác ngoại

Những thông tin trên được lãnh đạo Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng đưa ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 diễn ra chiều 20/4.

NguyenDucVinh-4217-1429518376.jpg

Theo Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh, VPBank đặt mục tiêu đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Ảnh: Thanh Lan.

5 năm qua VPBank đều không chia cổ tức bằng tiền mặt mà giữ lại lợi nhuận, dành nguồn lực tăng vốn. Theo ông Vinh, nguồn lực này đã đóng góp không nhỏ vào việc đưa tỷ lệ an toàn vốn (CAR) năm 2014 về trên 10%. Dự kiến, năm 2015, ngân hàng tiếp tục không trả cổ tức bằng tiền mặt. Thay vào đó, nhà băng này sẽ trả bằng cổ phiếu, thông qua đó tăng thêm 1.135 tỷ đồng vốn điều lệ.

Ngoài nguồn từ lợi nhuận giữ lại, theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh, năm 2015 VPBank sẽ tăng vốn chủ sở hữu nhờ tìm kiếm, chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. “Dự kiến, năm nay vốn chủ sở hữu sẽ tăng từ 5.000 đến 6.000 tỷ đồng”, ông Vinh cho biết.

Năm ngoái, nhà băng này dự kiến tăng thêm 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ chào bán tối đa 30% cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thành công nên được dời sang năm nay. Mục tiêu của Hội đồng quản trị là cuối năm 2015, vốn tự có của ngân hàng tăng lên 15.000 tỷ đồng. “Nếu không thể thực hiện được thì ngân hàng sẽ điều chỉnh quy mô tổng tài sản cho phù hợp với nguồn vốn chủ sở hữu để đảm bảo an toàn hoạt động”, đại diện VPBank cho biết.

Tương tự nhiều đại hội cổ đông ngân hàng khác diễn ra trước đó, cổ đông nhỏ của VPBank cũng tâm tư về việc nhiều năm không được nhận cổ tức bằng tiền. Một cổ đông lớn tuổi đề xuất nên linh động, trả cổ tức tiền mặt một vài lần. “Quan tâm của cổ đông là cổ tức và cụ thể là chia bằng tiền mặt. Liệu cổ phiếu của VPBank ở thị trường hiện bao nhiêu? Ví dụ tôi có số cổ phần mệnh giá 100 triệu đồng thì đến nay có bán được 2-3 triệu không”, cổ đông này nói. Ngay lập tức, ý kiến này được nhiều cổ đông khác có mặt tại phòng họp vỗ tay ủng hộ.

Thừa nhận đây là mong muốn hết sức chính đáng, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng hứa với các cổ đông sẽ chia cổ tức vào các năm sau nếu như ngay 2015 hoàn thành việc huy động vốn từ đối tác chiến lược nước ngoài. “Khi đó, áp lực tăng vốn sẽ không còn lớn”, ông Dũng lý giải.

Nhiều cổ đông cũng bày tỏ lo ngại cổ phiếu nắm giữ không còn giá trị, nhất là khi không được nhận cổ tức tiền mặt nhiều năm. Về thị giá hiện tại, Chủ tịch Ngô Chí Dũng khẳng định: “Theo thông tin tôi nắm, giá cổ phiếu của VPBank chưa bao giờ dưới mệnh giá 10.000 đồng”. Vị lãnh đạo này cũng tin rằng, nếu liên lạc với đầu mối bên Công ty chứng khoán VPBank (VPBank Securities), các cổ đông có thể dễ dàng tìm được đối tượng mua từ mệnh giá trở lên.

Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Bùi Hải Quân cũng hứa sẽ đăng thông tin đầu mối tại công ty chứng khoán để các cổ đông có nhu cầu chuyển đổi quyền lợi thành tiền dễ dàng. “Nếu cổ đông nào mua cổ phiếu từ năm 2010, đến nay một cổ phiếu đã tăng lên 2. Nếu quý vị nào vừa muốn giữ tiền mặt, vừa cổ phiếu, có thể bán đi một nửa. Như vậy các cổ đông vừa thu hồi số vốn đầu tư ban đầu, lại vẫn giữ nguyên được cổ phiếu. Mong các cổ đông hiểu rằng VPBank chúng tôi không thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng, lớn mạnh như hiện nay nếu năm nào chúng ta làm ra đồng lợi nhuận nào chia hết đồng ấy”, ông Quân giãi bày với các cổ đông.

Bên cạnh đó, năm nay VPBank cũng đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2014. “Đây là chỉ số rất tham vọng, thách thức. Nếu đạt được, VPBank đã bước chân vào nhóm ngân hàng cổ phần có quy mô doanh thu lớn nhất trên thị trường”, ông Vinh cho biết.

Năm 2014, VPBank tăng 19% lợi nhuận trước thuế. Số khách hàng tăng 82% lên 725.000 người. Số lượng nhân viên cũng tăng mạnh hơn 2.700 người. Năm 2015, ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng 30% với số dư cuối kỳ đạt gần 102.000 tỷ đồng.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339