VNM rớt mạnh, Vn-Index mất 19 điểm

Sau 3 phiên điều chỉnh mạnh hồi tuần trước, chứng khoán TP HCM tiếp tục chào sàn ngày 24/8 trong sắc đỏ. Đà giảm nhanh và mạnh ngay từ đợt một kéo sang đợt khớp lệnh liên tục.

Lúc 9h30, KBC giảm sàn ngay, dư mua giá đáy hơn 640.000 cổ phiếu. STB là mã duy nhất bật xanh trong rổ VN30. Các mã lớn: BVH, GAS, MSN, VNM lần lượt giảm 900-2.000 đồng. VCB mất giá nhiều nhất rổ ngân hàng, rớt 700 đồng. Chỉ sau 30 phút đầu ngày, Vn-Index mất 11 điểm, trượt xuống vùng 545 điểm.

Lúc 9h50, toàn sàn có gần 170 mã đi xuống. Dù thị trường rung lắc mạnh, tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng. Bên bán chào giá cao trong khi bên mua ép giá sàn khiến cung cầu không gặp nhau. Thời điểm này KBC dư mua sàn hơn một triệu đơn vị, trong khi HVG, FLC, ITA dư mua sàn 200.000-400.000 cổ phiếu.

BVH, GAS, PVD, VNM, VCB tiếp tục điều chỉnh mạnh khiến đà giảm mạnh thêm. Sau một giờ đồng hồ giao dịch, Vn-Index giảm 13,63 điểm, lùi sát về 542,67 điểm, mua bán 31,45 triệu chứng khoán, ứng với hơn 440 tỷ đồng.

Lúc 10h15, thị trường chao đảo, Vn-Index thủng mốc 540 điểm, xuống 538,77 điểm, mất 17 điểm. KBC chuyển từ trạng thái dư mua sàn sang dư bán sàn. FLC dư mua sàn hơn 3 triệu cổ phiếu. STB chuyển từ xanh sang đỏ, 100% cổ phiếu rổ VN30 quay đầu đi xuống.

Chỉ 15 phút sau đó, VNM rớt 4.500 đồng, BVH và GAS mất giá gấp đôi đầu ngày. Có lúc thị trường mất 20 điểm. Dòng tiền đứng ngoài thị trường, lực bán áp đảo lực mua. Lúc 10h25, Vn-Index giảm 19 điểm, về 537,29 điểm.

Vn-Index tuột dốc trong bối cảnh thị trường châu Á sáng nay chịu nhiều áp lực từ Trung Quốc. Đến 9h30 sáng nay (giờ Hà Nội), Shanghai Composite Index trên sàn Thượng Hải mất 8,5%, xuống thấp nhất từ tháng 3 năm nay. MSCI châu Á – Thái Bình Dương giảm ngày thứ 7 liên tiếp, với 2%. Topix (Nhật Bản) mất 3,3%, còn Kospi (Hàn Quốc) giảm gần 2%.

Hang Seng China Enterprise – theo dõi cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong cũng mất 5,29%, lần đầu xuống dưới 10.000 điểm từ tháng 5 năm ngoái. Tin đồn từ cuối tuần trước, rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, đã không thành hiện thực.

Kể từ khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nội tệ ngày 11/8, hơn 5.000 tỷ USD đã tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Đà bán càng tăng tốc sau thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể hoãn tăng lãi suất do lo ngại nền kinh tế khó miễn nhiễm trước các tác động tiêu cực bên ngoài, và giá hàng hóa giảm sẽ khiến lạm phát khó nhích lên.

Hà Thanh

0913.756.339