Vinalines xin phá sản, giải thể thêm nhiều công ty con

Đề án điều chỉnh quá trình tái cơ cấu của Vinalines đã được Bộ Giao thông vận tải thông qua và kiến nghị lên Thủ tướng. Theo đó, Tổng công ty đề xuất được phá sản Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Cà Mau.

Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ 137,7 tỷ đồng với 100% vốn là của công ty mẹ đầu tư. 

Lý do dẫn tới đề xuất này của Vinalines thay cho việc tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ như đề án trước đó là doanh nghiệp đã đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mất cân đối tài chính, không có khả năng trả nợ, không xây dựng được phương án kinh doanh khả thi. 

Trước đó Tổng công ty đã cho 2 doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Falcon và Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dưỡng Vinashinlines thực hiện các thủ tục phá sản với lý do tương tự.

Bên cạnh đó, Vinalines cũng đề nghị giải thể, chấm dứt hoạt động sau khi chuyển nhượng xong các dự án đang thực hiện, gồm: Công ty cổ phần Phát triển cảng Bến Đình – Sao Mai; Trường cao đẳng Nghề hàng hải Vinalines; Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines – Đông Đô. 

Vinalines giải thích, 3 đầu mối này được thành lập để quản lý một dự án đầu tư. Tuy nhiên, mục tiêu của các dự án này hiện không còn, doanh nghiệp không sinh lợi nên việc chấm dứt hoạt động sẽ giúp cả Tổng công ty và đối tác trút bỏ phần nào gánh nặng tài chính.

Ngoài 3 đầu mối đầu, đến nay, Tổng công ty đã có quyết định chấm dứt hoạt động, giải thể đối với 4 doanh nghiệp khác là Công ty Kinh doanh xăng dầu Vinalines phía Bắc; Công ty Thương mại xăng dầu đường biển; Công ty Hàng hải Vinalines Cần Thơ; Trung tâm Phát triển nhân lực Hàng hải Đông Nam Á.

Cùng với việc cho giải thể, phá sản thêm 4 đơn vị, Vinalines cũng xin được thoái vốn sâu hơn tại 10 cảng biển mà tổng công ty đang nắm cổ phần chi phối.

Cụ thể, nếu được Thủ tướng đồng ý, doanh nghiệp sẽ giảm tỷ lệ vốn nắm tại 4 cảng lớn là Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng Sài Gòn từ 75% xuống còn 51%; Điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ từ 75% xuống còn 49% đối với các cảng: Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh; Giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ xuống dưới 50% thay vì 50 – 65% như hiện nay đối với cảng Khuyến Lương, Năm Căn.

Còn tại cảng Nha Trang, Tổng công ty sẽ thoái toàn bộ và chuyển về cho địa phương là tỉnh Khánh Hòa quản lý.

Giải thích cho đề xuất này, cả lãnh đạo Bộ Giao thông và Vinalines đều nhìn nhận, việc vẫn giữ cổ phần chi phối trên 50-75% như kế hoạch vừa qua khiến quá trình IPO các cảng biển gần như thất bại khi tỷ lệ bán ra chỉ chưa tới 20% kế hoạch.

Thực tế tại các cảng lớn, dù đặt kế hoạch bán 25% cổ phần nhưng hiện Tổng công ty vẫn đang nắm gần 95% tại cảng Hải Phòng và Đà Nẵng, trong khi tại Cảng Quảng Ninh tỷ lệ này lên đến 98%.

Nếu kiến nghị này được thông qua và quá trình thoái vốn cuối năm nay suôn sẻ, Vinalines nhiều khả năng sẽ có thêm hơn 2.000 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ bởi Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép doanh nghiệp được dùng khoản thu từ IPO các đơn vị thành viên để tái cơ cấu nợ.

Chí Hiếu

0913.756.339