Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 25/4, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã cung cấp thêm thông tin về việc mua lại bắt buộc đối với Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), được Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó nửa ngày.
Sau khi mua lại, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Ngân hàng Công thương (Viettinbank) tham gia quản trị OceanBank. Trước đó, trong lần xử lý theo phương án tương tự với Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đảm nhận nhiệm vụ này. Một phó tổng giám đốc và 2 lãnh đạo khác của Vietcombank cũng đã được cử sang giữ cương vị Chủ tịch và phó tổng tại VNCB.
“Quyền lợi của người gửi tiền tại OceanBank sẽ được Nhà nước bảo đảm”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định và cho biết việc mua lại nêu trên được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng đối với ngân hàng bị đặt trong diện kiểm soát đặc biệt.
Chia sẻ thêm về tình trạng của OceanBank trước quyết định của Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng cho biết tổ chức này bị âm vốn điều lệ, không đáp ứng đủ điều kiện vốn pháp định (3.000 tỷ đồng) của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành ngân hàng không cho biết cụ thể mức âm vốn của OceanBank là bao nhiêu.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông sáng 25/4 của Ngân hàng Đại Dương, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã công bố việc mua lại với giá 0 đồng nhà băng này, sau khi đa số cổ đông không nhất trí đề xuất phát hành cổ phiếu để bổ sung vốn điều lệ.
Sau VNCB, OceanBank là nhà băng thứ 2 được cơ quan quản lý xử lý theo hình thức này. “Việc trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương giúp Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu Ngân hàng Đại Dương, đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém của Ngân hàng Đại Dương sang tổ chức chức tín dụng khác”, thông cáo sau đó của cơ quan quản lý viết.
Chí Hiếu