Thông tin trên được ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank – cho biết tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015.
Trong khi hai ông lớn Vietinbank, BIDV đều đã công bố đối tác sáp nhập, tại cuộc họp lần này Vietcombank vẫn chưa đưa ra một cái tên cụ thể. Theo lý giải của Chủ tịch ngân hàngVietcombank có những tiêu chí riêng, như đối tác phải giúp đơn vị tăng quy mô, củng cố uy tín, tăng mạng lưới và vốn.
“Như vậy, sẽ không đặt vấn đề với ngân hàng âm vốn. Đối tác phải là nhà băng an toàn, sau khi trừ đi dự phòng rủi ro và các rủi ro khác phải còn vốn. Ngoài ra ngân hàng đó phải có mạng lưới bổ trợ cho Vietcombank”, ông Thành nói.
Chủ tịch Vietcombank cho biết chưa tính tới việc sáp nhập với một trong 5 nhà băng đang góp vốn. |
Hiện Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 5 tổ chức tín dụng khác. Một cổ đông đặt câu hỏi liệu Vietcombank có tính đến khả năng chọn một trong số 5 đơn vị này để sáp nhập. Tuy nhiên, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành lại cho biết đến nay chưa hề có chủ trương này. “Theo thông tư 36, một ngân hàng chỉ được góp vốn tối đa 2 tổ chức tín dụng khác và tỷ lệ vốn không quá 5%. Vietcombank đã trình đề án cho Thống đốc về việc thoái vốn và chắc chắn sẽ giảm dần sở hữu tại những nơi này, tiến tới không nắm vốn ở quá 2 ngân hàng”, ông Thành nói.
Năm 2014, Vietcombank đã bán nợ xấu Vinalines cho Công ty mua bán tài sản doanh nghiệp (DATC). Trước thắc mắc của cổ đông về việc tại sao không không chờ thời điểm thị trường và Vinalines phục hồi để thu hồi giá trị cao, ông Thành cho rằng đây là phương án hiệu quả nhất. “Hiệu quả ở đây không có nghĩa là số tiền thu hồi cao nhất. Có thể thu hồi cao nhưng phải mất 3, 5 thậm chí 10 năm. Như vậy nếu tính giá trị dòng tiền thì lại không hiệu quả”, vị này cho hay.
Ngoài ra, Vietcombank cũng không có ý định chuyển nợ Vinalines thành vốn góp bởi theo quy định, ngân hàng không được tham gia quá 11% vốn của doanh nghiệp. “Mặt khác, đánh giá thị trường có thể khởi sắc chỉ là một phía, có thể là ảo vọng, thiếu thực tế. Sau phân tích thực trạng như vậy, Vietcombank lựa chọn phương án bán nợ cho DATC”, ông Thành lý giải.
Một trong những hạn chế của Vietcombank 2014, theo đánh giá của lãnh đạo nhà băng, chính là những bất hợp lý trong cân đối nguồn vốn VND và ngoại tệ. Báo cáo của ban điều hành cho biết tăng trưởng huy động vốn, sử dụng vốn VND và ngoại tệ đang có diễn biến trái chiều. Cụ thể, huy động vốn năm 2014 tăng chủ yếu ở VND (tăng 30,46%) trong khi huy động vốn ngoại tệ chỉ tăng 12,7%.
Dễ huy động VND nhưng nhà băng này lại tăng trưởng cho vay ngoại tệ nhiều hơn. Tín dụng ngoại tệ Vietcombank tăng 26,1% trong khi VND chỉ tăng 15,03%. Trong cơ cấu tín dụng, cho vay ngoại tệ chiếm hơn một phần tư tổng dư nợ. Hệ số cho vay trên huy động (LDR) với VND còn thấp trong khi ngoại tệ lại khá cao.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm 2014, Chủ tịch Vietcombank khi đó là ông Nguyễn Hòa Bình cũng nêu những lo ngại khi tín dụng tiền đồng tăng quá thấp so với ngoại tệ. Theo ông, với vị thế của mình, toàn hệ thống Vietcombank nên suy nghĩ để phát huy thật tốt lợi thế không chỉ ở nguồn vốn USD mà cả VND.
Là nhà băng đầu ngành trong lĩnh vực thanh toán, xuất nhập khẩu nhưng thị phần của ngân hàng dù đã phục hồi trở lại ở mức 16,32%. Doanh số mua bán ngoại tệ đạt gần 29 tỷ đồng.
Thanh Thanh Lan