Việt Nam tụt hạng về môi trường kinh doanh

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo khảo sát môi trường kinh doanh toàn cầu – Doing Business 2016. Theo đó, trong số 189 nền kinh tế được xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 90, giảm so với vị trí 78 năm ngoái.

Tuy nhiên, WB cũng giải thích những xáo trộn trên bảng xếp hạng năm nay có một phần nguyên nhân đến từ những thay đổi trong phương pháp khảo sát và số liệu cập nhật. Cụ thể, nếu áp dụng phương pháp tính mới cho báo cáo năm ngoái, thứ hạng của Việt Nam khi đó sẽ là 93 (thay vì 78), tức là thấp hơn năm nay.

viet-nam-tut-hang-ve-moi-truong-kinh-doanh

Ở hạng mục khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực, sau Malaysia và Thái Lan.

Ở lần khảo sát này, WB đánh giá các nền kinh tế dựa trên 11 tiêu chí (thay vì 8 trước đây), như dễ thành lập doanh nghiệp, tốc độ xử lý các đơn xin phép xây dựng, khả năng được cấp điện và đi vay. Báo cáo này ra mắt lần đầu năm 2003.

Trong 11 tiêu chí, những mặt Việt Nam có cải thiện là Thành lập doanh nghiệp, Xin cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng và Xử lý khi mất khả năng thanh toán. Các mặt còn lại đều tụt hạng, gồm Đăng ký tài sản, Vay vốn, Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, Nộp thuế, Giao thương quốc tế và Thực thi hợp đồng.

Về tiêu chí thành lập doanh nghiệp, thứ hạng của Việt Nam nằm ở khoảng giữa so với các nước tương đương trong khu vực, sau Malaysia và Thái Lan. Với đối tượng tiêu chuẩn là một công ty TNHH tại TP HCM, WB chỉ ra tổng số thủ tục hành chính công ty này phải thực hiện (để thành lập và vận hành) là 10. Thời gian hoàn thành mỗi thủ tục là 20 ngày.

Trong khi đó, xin cấp phép xây dựng lại là tiêu chí Việt Nam được đánh giá cao nhất với xếp hạng 12 trên toàn cầu. Số thủ tục hành chính doanh nghiệp phải chịu là 10, với thời gian hoàn thành mỗi thủ tục là 166 ngày. Các lĩnh vực Việt Nam bị đánh giá thấp nhất là nộp thuế, xử lý mất khả năng thanh toán và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, với thứ hạng lần lượt là 168, 123 và 122 trên toàn cầu.

Năm nay, Singapore tiếp tục giữ vị trí đầu bảng lần thứ 10 liên tiếp. Theo sau là New Zealand, Đan Mạch và Hàn Quốc. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng cải thiện được xếp hạng.

Từ khi báo cáo được công bố, WB đánh giá các quốc gia thu nhập thấp có sự cải thiện hơn hẳn các nước thu nhập cao. Australia đã rơi khỏi top 10 năm nay, xuống thứ 13. Thay thế nước này là Thụy Điển, tăng một bậc so với năm ngoái. Mỹ vẫn đứng yên ở vị trí thứ 7, còn Nhật Bản mất 5 bậc xuống thứ 34. Trung Quốc tăng 6 bậc lên thứ 84, trong khi Ấn Độ tăng 12 bậc lên thứ 130.

Hà Thu

0913.756.339