Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) 2015 – 2016 vừa được WEF công bố. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (18), Thái Lan (32), Indonesia (37) và Philippines (47). Trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất.
WEF đánh giá các nước trên thang điểm 7. Theo đó, điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam năm nay được 4,3.
Số quốc gia tham gia khảo sát năm nay là 140, ít hơn 4 so với năm ngoái. Dù vậy, theo WEF, nếu so với nhóm quốc gia năm trước, Việt Nam vẫn xếp thứ 56. Thứ hạng này đã liên tục được cải thiện từ năm 2012.
Khả năng cạnh tranh của Việt Nam ngày càng cao. Ảnh: Anh Quân. |
Các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính, gồm: Yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản – y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); yếu tố nâng cao (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và các yếu tố về tinh vi – đột phá (sự tinh vi của hệ thống doanh nghiệp, khả năng đột phá).
Trong 3 nhóm tiêu chí này, Việt Nam được chấm điểm cao nhất ở Yêu cầu căn bản, với 4,54 điểm, xếp thứ 72. Một số tiêu chí nhỏ cũng có sự cải thiện, như kinh tế vĩ mô (hạng 69), độ hiệu quả của thị trường hàng hóa (83), cơ sở hạ tầng (76), quy mô thị trường (34) và trình độ công nghệ (92).
Trên thế giới, nền kinh tế cạnh tranh nhất năm nay vẫn là Thụy Sĩ, theo sau là Singapore và Mỹ. Nếu như năm ngoái, các nước mới nổi như Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ đều tụt hạng, năm nay, Ấn Độ leo tới 16 bậc, lên thứ 55. Dù vậy, Brazil lại là quốc gia tụt hạng mạnh nhất trong nhóm BRICS khi xuống thứ 75, mất 18 bậc. Còn thứ hạng của Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhì thế giới, vẫn giữ nguyên tại 28.
Cạnh tranh được định nghĩa là “nhóm thể chế, chính sách và yếu tố quyết định đến sức sản xuất của một nền kinh tế, từ đó tác động lên sự thịnh vượng của quốc gia”. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu được thực hiện thường niên, với mục tiêu vẽ ra bức tranh toàn cảnh về yếu tố thúc đẩy cạnh tranh, năng suất và sự thịnh vượng tại các quốc gia.
Báo cáo năm nay nhận định 7 năm sau khủng hoảng tài chính 2008, thế giới vẫn còn phải gánh chịu hậu quả. Sự phục hồi đang yếu dần, thiếu chắc chắn và kéo dài hơn dự báo. Toàn cầu đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm, năng suất thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Các cú sốc địa chính trị gần đây, từ khủng hoảng tại Ukraine đến xung đột ở Trung Đông, nạn khủng bố và khủng hoảng di cư cũng càng khiến các mục tiêu kinh tế trở nên thách thức.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Á. Nguồn: WEF |
Nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới từ năm 2005 và được dự báo duy trì danh hiệu này trong trung hạn. Khu vực này hiện chiếm 30% GDP toàn cầu, khi chỉ riêng Trung Quốc đã đóng góp 16%.
Thành tích này được phản ánh khá rõ trong kết quả GCI. Từ sau khủng hoảng, mức độ cạnh tranh của các nền kinh tế này phần lớn có xu hướng tăng. Dù vậy, số liệu này lại có sự phân hóa đáng kể. Trong khi Trung Quốc và phần lớn các quốc gia Đông Nam Á có mức tăng cạnh tranh khá lớn, các nước Nam Á và Mông Cổ lại đang tụt về phía sau. Những nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam đều đứng ở nửa trên bảng xếp hạng. Trong khi Nepal, Bhutan, Bangladesh, Pakistan đều dưới 100.
WEF đánh giá dù nhóm nước này khá năng động, hầu hết quốc gia đang gặp khó khi tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng không theo kịp tăng trưởng. Sự phổ cập công nghệ tại đây cũng còn rất hạn chế. Với các nước thu nhập trung bình, khả năng đột phá còn yếu, gây rủi ro cho tăng trưởng trong dài hạn.
Hà Thu