Việt Nam sẽ có cơ quan quản lý Nhà nước về năng lượng

Theo đó, công nghiệp, năng lượng, thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế là những lĩnh vực trọng tâm trong tái cơ cấu ngành Công Thương.

Cụ thể, công nghiệp sẽ tập trung sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, thu hút nhiều việc làm trình độ cao tiến tới giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.

Về lĩnh vực năng lượng, ngành cần đẩy mạnh tập trung nguồn vốn Nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp tự bỏ vốn điều tra cơ bản địa chất tìm kiếm, thăm dò tài nguyên trên đất liền và thềm lục địa biển Việt Nam, đa dạng hình thức huy động vốn trong khai thác mỏ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ dầu khí trong và ngoài nước, gia tăng trữ lượng, đầu tư mua mỏ ở nước ngoài.

Xây dựng Đề án thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về năng lượng, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành Dầu khí. Cơ cấu lại mô hình hoạt động của các Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trong lĩnh vực thương mại, sẽ phát triển các ngành hàng xuất khẩu, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường.

Trước đó, ngày 4/11 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với các bộ ban ngành liên quan để xem xét đánh giá các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương. Nhiều bất cập trong cơ cấu ngành đã được thẳng thắn nhìn nhận như: tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp luôn cao hơn giá trị gia tăng thêm, xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, hệ thống phân phối bán lẻ tập trung nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh cho thương mại trong nước, cùng một số tồn tại trong lĩnh vực năng lượng gồm than, điện, dầu khí…

Thành Tâm

0913.756.339