Việt Nam hứa xử lý nghiêm các sai phạm khi sử dụng ODA

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam” tổ chức sáng nay (7/8) tại Đà Nẵng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao vai trò của nguồn viện trợ phát triển chính thức trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam hơn 20 năm qua (kể từ năm 1993). Bên cạnh việc tìm giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn, đại diện Chính phủ cũng cam kết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến tiêu cực, sử dụng lãng phí nguồn vốn ODA.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngành chức năng khắc phục tồn tại, để những dự án ODA được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, chống được thất thoát, lãng phí”, Phó thủ tướng nói.

toan-canh-1-1652-1438920988.jpg

Việt Nam mong muốn tìm kiếm các nguồn vốn phát triển khác ngoài ODA. Ảnh: Văn Đông

Tính đến 2014, Việt Nam đã thu hút được gần 90 tỷ USD vốn ODA, trong đó giải ngân được khoảng 54 tỷ. Nguồn lực này được đánh giá là đóng góp đáng kể vào sự phát triển suốt 2 thập kỷ của Việt Nam. Tuy nhiên, một số vụ việc như hối lộ PCI, JTC, tiêu cực trong các dự án dùng vốn của Đan Mạch… đặt ra yêu cầu cao hơn đối với quản lý và sử dụng nguồn vốn này.

“Công tác quản lý ODA còn bất cập, còn có những sai phạm, vi phạm quy định ODA của Chính phủ và cũng như của nhà tài trợ”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – Vương Đình Huệ chia sẻ tại hội thảo.

Đại diện Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương cũng nhận định năng lực hấp thụ ODA của Việt Nam cũng như từng địa phương còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân so với mức đăng ký còn rất thấp, tính chung mới đạt khoảng 63%. Thêm vào đó, thiết kế một số chương trình, dự án còn chưa sát với thực tế, phân bổ dàn trải… 

Ngoài ra, hiệu quả sử dụng đầu tư công nói chung, ODA nói riêng còn thấp. Đây cũng là một trong các nguyên nhân tác động đến tính bền vững và an toàn của cợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. 

“Việt Nam đã từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Đây là một thành công lớn nhưng cũng đặt ra thách thức trong tương lai không xa là không còn nhận được ODA dồi dào như trước. Do đó phải tiếp cận, huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn”, ông Huệ nói.

Cảm ơn cộng đồng quốc tế đã đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong 20 năm qua, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sử dụng ODA, việc tìm kiếm các nguồn vốn khác là rất quan trọng. Ông hy vọng những đại biểu tham gia Hội thảo sẽ “hiến kế” để tiếp cận các nguồn vốn khác ngoài ODA, giúp Việt Nam tiếp tục có điều kiện phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững trong tương lai.

Theo báo cáo của cơ quan quản lý, ODA của Việt Nam hiện có 3 hình thức chủ yếu: viện trợ không hoàn lại (10-12%), vay ưu đãi (80%) và ODA hỗn hợp (8 -10%). Lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị ODA cam kết cho Việt Nam là 89,5 tỷ USD, trong đó đã ký kết 73,68 tỷ USD, tương đương bình quân 3,5 tỷ USD một năm. Vốn giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% số đã ký kết.

Nguyễn Đông

0913.756.339