Vì sao ôtô là nút thắt trong TPP

Cuộc chiến quanh việc loại xe hơi nào sẽ được phép miễn thuế trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến cuộc họp cấp cao cuối tháng 7 giữa 12 quốc gia thành viên gặp bế tắc. Cùng với vấn đề sữa và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với dược phẩm, ôtô đang là nút thắt khiến TPP chưa thể hoàn tất, trong bối cảnh mùa bầu cử tại Canada đang đến gần, còn Mỹ và Nhật Bản cũng bắt đầu chiến dịch tranh cử.

Ngành công nghiệp ôtô Mexico đang tổ chức một chiến dịch yêu cầu xe hơi được miễn thuế trong TPP phải có ít nhất một nửa thành phần xuất phát từ các nước trong khối. Các công đoàn tại Mỹ và một số nhà cung cấp khác, do lo ngại việc làm có thể mất về tay các nước khác, cũng ủng hộ thắt chặt các quy định trong TPP.

Trong khi đó, Nhật Bản lại muốn tăng tỷ lệ thành phần sản xuất ngoài khối. Nguyên nhân là các hãng xe nước này phụ thuộc vào phụ tùng sản xuất tại nước ngoài (như Trung Quốc hay Thái Lan) nhiều hơn là các hãng Bắc Mỹ. Mà Trung Quốc và Thái Lan lại nằm ngoài TPP. Vì thế, họ không muốn thỏa thuận này sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng hiện tại.

auto-6786-1441359849.jpg

Công nhân một nhà máy sản xuất ôtô tại Mexico. Ảnh: AFP

Mắc kẹt trong cuộc tranh cãi này là các quan chức Mỹ. Họ đã phải đàm phán tích cực với Nhật Bản hơn một năm nay về ôtô và các vấn đề khác. Nhưng họ cũng không muốn làm mếch lòng công nhân trong nước và những người hàng xóm Bắc Mỹ.

Mexico đang sử dụng các hiệp định thương mại tự do để thu hút đầu tư và tăng sản xuất. Là nhà cung cấp ôtô và linh kiện ôtô chính cho thị trường Mỹ, Mexico và Canada không muốn TPP sẽ khiến họ mất lợi thế về tay Nhật Bản.

“Chúng tôi sẽ mất những gì đã có từ trước đến nay có nhờ NAFTA (Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ). Chúng tôi sẽ mất mảng sản xuất linh kiện ôtô. Còn Mỹ sẽ mất thị trường nguyên liệu chủ chốt. Đây đúng là mối nguy hiểm chết người”, Oscar Albin – Giám đốc Hiệp hội Phụ tùng Ôtô quốc gia Mexico cho biết.

Ông Albin và các quan chức ngành xe hơi Mexico đang kêu gọi xe hơi được miễn thuế trong TPP phải có 50% thành phần từ các nước khu vực này. Với 700.000 công nhân và kim ngạch xuất khẩu 60 tỷ USD, chủ yếu sang Mỹ và Canada, phụ tùng ôtô đang là xương sống của ngành sản xuất Mexico.

Quan chức Mỹ và Nhật Bản cho biết các quy định rất phức tạp và các lợi ích nhờ NAFTA khó có thể chuyển thành tỷ lệ xuất xứ trong TPP. “Chúng tôi vẫn đang làm việc để có quy định rõ ràng về nguồn gốc, đảm bảo TPP sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các nước, thúc đẩy ngành ôtô và tạo ra việc làm”, Matt McAlvanah – người phát ngôn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết.

Các hãng xe Mỹ muốn quy định về nguồn gốc rơi vào khoảng giữa. Vì nếu quá chặt, chuỗi cung ứng toàn cầu của họ sẽ bị gián đoạn. Còn nếu quá lỏng, họ sẽ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ châu Á, giám đốc một hãng xe cho biết.

Trong khi đó, các công đoàn lại muốn quy định thật chặt, để tránh việc phụ tùng ôtô được sản xuất tại các nước ngoài, như Trung Quốc. Vì vậy, họ vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận tiêu chuẩn về lao động và môi trường của TPP.

“Việc này sẽ khiến nhiều người mất việc”, Chủ tịch Liên hiệp Trung ương Công đoàn Mỹ (AFL-CIO) – Richard Trumka cho biết tại Washington hồi đầu tuần. Ông cho rằng việc cân nhắc các quy định này là “buồn cười” và tháng trước đã gửi thư đến Đại diện Thương mại Mỹ – Michael Froman đề nghị thắt chặt các quy định.

Với Mexico, nới lỏng các quy định về nguồn gốc xe hơi trong TPP có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực của họ khi tấn công vào ngành xe sang, đồng thời giúp Nhật Bản có thêm lợi thế, Sean McAlinden – kinh tế trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu Ôtô nhận xét.

Việc này cũng sẽ khiến Tổng thống Mỹ – Barrack Obama khó ăn nói với Quốc hội. Ông Obama từng cam kết TPP sẽ thiết lập các quy định để gây áp lực lên sức thống trị của Trung Quốc trong khu vực. “Nếu mục tiêu là tạo ra một khối thương mại để làm đối trọng với Trung Quốc, sao anh có thể mở cửa cho hàng nhập khẩu Trung Quốc được?”, ông McAlinden cho biết.

Trong khi đó, người phát ngôn Hiệp hội Sản xuất Ôtô Nhật Bản tại văn phòng Washington từ chối bình luận về việc này, do các thành viên vẫn có quan điểm trái ngược nhau. Một quan chức Nhật Bản cho biết Tokyo ủng hộ tăng tỷ lệ thành phần sản xuất ngoài khối để bảo vệ chuỗi cung ứng hiện tại của các hãng xe, chứ không phải khuyến khích thuê ngoài từ Trung Quốc.

TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia – Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra trong hiệp định gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và được dự báo bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Cuối tháng 7, cuộc họp cấp bộ trưởng 4 ngày tại Hawaii dù được kỳ vọng cao vẫn chưa thể giúp 12 nước đi đến thỏa thuận cuối cùng. Dù vậy, các nước cho biết đã đạt tiến triển đáng kể, và các bên cũng đã thống nhất phần lớn vấn đề quan trọng.

Hà Thu(theo WSJ)

0913.756.339