Vì sao đàm phán TPP bị kéo dài

Hiệp định TPP ban đầu được ký với 4 thành viên, gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore năm 2005. Khi Mỹ, Australia và Peru lần lượt gia nhập sau đó, việc đàm phán mới chính thức khởi động năm 2010. Đến nay, số nước tham gia đàm phán TPP đã lên 12, trong đó có Việt Nam.

Tiến trình đàm phán TPP gần 10 năm qua. Xem chi tiết

Tiến trình đàm phán TPP gần 10 năm qua. Xem chi tiết

Đây được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, các nước tham gia đóng góp 40% GDP toàn cầu. Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế. Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Mục đích cuối cùng là khiến các nước ngoài TPP, đặc biệt là Trung Quốc, cũng phải tuân theo.

Nội dung đàm phán TPP rất rộng, bao phủ nhiều lĩnh vực. Số chương trong hiệp định liên tục được nâng lên và hiện là 30. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), không chỉ đề cập đến các vấn đề thương mại, đầu tư, TPP còn đặt ra quy định về lao động, môi trường, công ty quốc doanh và cả minh bạch – tham nhũng. Bên cạnh đó, tham gia TPP cũng đồng nghĩa họ phải chấp nhận mở cửa thị trường toàn diện – đưa thuế nhập khẩu về 0% với rất nhiều mặt hàng. Nội dung thảo luận lớn, các nước bất đồng khi muốn bảo vệ lợi ích quốc gia đã khiến cuộc đàm phán kéo dài tới 5 năm.

Sự tham gia của yếu tố chính trị cũng khiến việc đàm phán TPP thêm phức tạp. Mãi đến cuối tháng 6 năm nay, Tổng thống Mỹ – Barrack Obama mới được Quốc hội trao quyền đàm phán nhanh (TPA) để tăng tốc hoàn thành TPP. Dù vậy, nhiều nghị sĩ quốc hội Đảng Dân chủ vẫn phản đối TPP. Họ cho rằng hiệp định thương mại này sẽ khiến các công ty lớn chuyển sản xuất sang các nước có chi phí thấp. Việc này sẽ khiến người Mỹ mất việc làm và tiếp tay cho các quốc gia vốn đã ô nhiễm và đối xử bất công với người lao động. Vấn đề về môi trường và bảo hộ dược phẩm cũng luôn được các nghị sĩ Mỹ nhắn nhủ với chính quyền Tổng thống Obama.

Cuộc họp cấp bộ trưởng tại Hawaii (Mỹ) cuối tháng 7 từng được kỳ vọng sẽ giúp hoàn tất TPP ngay trong năm nay. Cuộc họp kéo dài hơn dự kiến, nhưng dù có tiến triển đáng kể, các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về 3 lĩnh vực chủ chốt, là mở cửa thị trường ôtô, các sản phẩm từ sữa và thời hạn bảo hộ độc quyền dược phẩm.  

vn-3194-1444035470.jpg

Công nhân may làm việc trong một nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Mỹ – Barrack Obama sẽ phải trình hiệp định hoàn chỉnh lên Quốc hội 90 ngày trước khi ký kết. Vì thế, nếu lỡ cơ hội này, các nước sẽ phải chờ đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2017 mới có thể ký được TPP. Ngày 19/10 này, Canada cũng sẽ tổ chức bầu cử. Khi ấy, tình hình có thể sẽ thay đổi.

Mọi hy vọng đang được dồn lên cuộc họp lần này tại Atlanta (Mỹ). Trước phiên họp của các Bộ trưởng, trưởng đoàn đàm phán các nước cũng đã gặp mặt trong 4 ngày, từ 26/9 đến 29/9. Bộ trưởng Thương mại các nước cũng họp bàn từ 30/9. Các cuộc nói chuyện dự kiến kết thúc vào 1/10, nhưng sau đó liên tục được kéo dài khi các Bộ trưởng thể hiện quyết tâm không ra về nếu không ký được TPP. 

Cuộc họp hiện đã kéo dài sang ngày thứ 6. Buổi họp báo dự kiến diễn ra vào 3h sáng nay (giờ Hà Nội) cũng liên tục bị dời lại, nhưng theo kế hoạch có thể tổ chức trong tối nay.

Trên AFP, một quan chức thương mại Mỹ cho biết gần như các vấn đề đã được giải quyết. Các nhà đàm phán hiện chỉ hoàn tất chi tiết và xem lại bản thảo hiệp định vốn đã rất dài. Dù vậy, một số nguồn tin cho biết yêu cầu của New Zealand về mở cửa thị trường tại một số quốc gia đã khiến việc đàm phán chậm lại. Vấn đề thị trường sữa vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do New Zealand, Australia và Mỹ vẫn đang cố thúc đẩy mở cửa tại Nhật Bản, Mexico và Canada.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản – Akira Amari cho biết các nước có thể thông báo một thỏa thuận “trên nguyên tắc”, do họ đã đạt “tiến triển lớn” và tìm ra giải pháp với khúc mắc lớn nhất lúc đó – bảo hộ dược phẩm. Thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Australia về vấn đề này cũng đã được Peru và Chile chấp thuận.

Hà Thu

0913.756.339