Ra đời tại Việt Nam từ năm 2008 trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử cần gấp những công cụ thanh toán phù hợp, ví điện tử được kỳ vọng giúp người mua và người bán kết nối nhanh chóng với nhau. Trong giai đoạn 2009 – 2013, các website tích hợp thanh toán trực tuyến tăng hơn 30 lần, trong đó có sự góp mặt của ví điện tử.
Theo giới làm công nghệ, với một tài khoản dạng này, người dùng không cần mang theo những chiếc ví dày cộp các loại thẻ mà chỉ cần đến điện thoại di động. Chẳng hạn, với một website bán hàng online đã tích hợp sẵn chức năng thanh toán qua ví điện tử, người mua sau khi chọn được món hàng chỉ mất 3-5 phút nhập lệnh, chọn loại tài khoản cần thanh toán có sẵn trong các “ngăn” ví điện tử rồi nhấn nút là đã xong bước trả tiền và ngồi chờ người giao hàng. Nhà cung cấp cũng biết ngay được tiền đã được người mua chuyển sang “ví” của mình và được các ngân hàng đảm bảo.
“Sự thuận tiện này tạo ra tiềm năng giúp thị trường ví điện tử phát triển, khiến các doanh nghiệp muốn khai thác triệt để phân khúc này”, ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft), chủ thương hiệu ví điện tử Ngân Lượng cho biết.
Phát triển mạnh trên thế giới, nhưng tại Việt Nam thanh toán bằng ví điện tử vẫn còn khá mới lạ. Song, theo các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để doanh nghiệp đổi mới, khai thác thị trường. |
Nhưng sau 5 năm phát triển, chiếc “ví thần” này cũng gặp nhiều thách thức để tìm chỗ đứng trên thị trường. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2013, cả nước có trên 1,84 triệu ví điện tử, tổng lượng giao dịch trong năm đạt 23.350 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD). So với quy mô của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, con số này còn khiêm tốn. Chỉ tính riêng thị trường thẻ, đến năm 2013 cả nước đã có hơn 66 triệu chiếc, tổng doanh số giao dịch nội địa lên tới 1,1 triệu tỷ đồng (52 tỷ USD).
“Số doanh nghiệp sống khỏe với ví điện tử chỉ đếm trên một bàn tay. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác tồn tại khá chật vật”, chủ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử phản ánh.
Theo thạc sĩ Nguyễn Phan Anh – Giảng viên khoa Thương mại điện tử (Đại học Thương mại), nguyên nhân do người tiêu dùng Việt Nam vẫn yêu thích phương thức thanh toán sử dụng tiền mặt và gần đây là “quẹt thẻ”. Hơn nữa, thẻ ngân hàng lại được hỗ trợ lớn khi hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp đang thanh toán, mua bán, chi trả tiền lương qua hình thức chuyển khoản ngân hàng hoặc Internet Banking.
“Ví điện tử là một hình thức thanh toán di động. Đây có thể sẽ là xu hướng thanh toán của tương lai nhưng hiện tại vẫn còn thiếu tính ứng dụng và sự cần thiết. Các dịch vụ ví điện tử đều nói thay thế ví tiền truyền thống nhưng thói quen của người dùng vẫn thích mang theo mình một chiếc ví”, thạc sĩ Phan Anh nhận định.
Thương mại điện tử phát triển chưa mạnh mẽ tại Việt Nam cũng cản trở bước tiến của các dịch vụ này. Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam, doanh số thanh toán năm 2013 đạt 2,2 tỷ USD, nhỏ bé so với tổng doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ (12,3 tỷ USD). Trong đó, chỉ 6% mua hàng qua các ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động. Thậm chí, nhiều website bán hàng online đã phải sáp nhập hoặc biến mất trong thời gian qua.
Miếng bánh của thị trường còn không dễ giành giật bởi khách hàng thường chọn những thương hiệu uy tín, gắn với những chợ điện tử hay ngân hàng quen thuộc. “Lĩnh vực này cần thương hiệu nên những doanh nghiệp nhỏ lại càng chật vật”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên cho biết. Quy luật “to nhất ăn cả” được thể hiện trên cả thế giới. Người khổng lồ PayPal hơn 15 năm nay vẫn dẫn đầu thị trường toàn cầu, dù có rất nhiều ví điện tử ra đời đã tuyên chiến giành lạ vị trí này. Hay ở Trung Quốc, với sự bành trường của Taobao, ví điện tử Alipay đã chiếm đến 60% thị phần.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán ví điện tử chưa ra đời khiến người tiêu dùng e dè bởi không có chế tài để bảo vệ khi xảy ra các hành vi gian lận, tranh chấp. Hiện nay, cả 9 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép làm dịch vụ này đều chỉ dưới hình thức thí điểm.
Nhưng ngoài nguyên nhân khách quan từ thị trường, còn có nguyên nhân xuất phát từ chủ quan doanh nghiệp. Theo đó, một số doanh nghiệp phát triển dịch vụ ví điện tử chưa làm chủ được công nghệ, phải đi mua công nghệ để phát triển dịch vụ. Trong khi đó, muốn phát triển dịch vụ này cần đến giải pháp công nghệ liên quan đến yếu tố di động, thiết bị di động (thanh toán di động) và các hình thức thanh toán giá trị thấp (vi thanh toán), ứng dụng sâu rộng vào đời sống thường nhật của người dùng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều đơn vị hiện nay cũng chưa đưa ra được các sản phẩm đúng với “khẩu vị” của người dùng, để họ thấy sự khác biệt và thuận tiện hơn giữa ví điện tử với các hình thức thanh toán khác. “Sân chơi này còn quá hạn chế, đa số người dùng mới chỉ biết đến ví điện tử như một công cụ để mua/trả cước điện thoại, thanh toán online”, thạc sĩ Phan Anh cho hay.
Tính bảo mật và lạ lẫm về thương hiệu, công nghệ cũng là một rào cản khiến người dùng chưa quan tâm đến dịch vụ này. Thí dụ, nhiều cửa hàng của Starbucks trên thế giới cho phép khách hàng gọi đồ uống qua ứng dụng “thực đơn điện tử”, sau đó cho họ thanh toán ngay qua ứng dụng ví điện tử trên thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng, thiết bị điện tử cá nhân…). Sau khi thưởng thức đồ uống, khách hàng có thể “bo” cho nhân viên thông qua ví điện tử này. Đây là những ứng dụng khá tiện lợi, song ở Việt Nam, sự kết nối này vẫn còn thiếu.
Trong bối cảnh khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp ví điện tử đã tìm hướng đi riêng cho mình. Ông chủ của ví điện tử Ngân lượng nhận xét sau khi tập trung vào thanh toán trực tuyến online chưa thu được kết quả lớn, công ty quyết định chuyển hướng và coi ví điện tử trên điện thoại di động, phục vụ các dịch vụ offline sẽ là mục tiêu trọng tâm thời gian tới. “Thị trường trước đây rất nhỏ, phải tìm con đường khác mới mong thành công”, ông Bình nói.
PeaceSoft đã cho ra đời thiết bị Mobile POS nhằm biến điện thoại di động thành điểm thanh toán chấp nhận thẻ với tổng chi phí thấp hơn POS truyền thống nhiều lần và nơi nào cũng có thể lắp đặt. Còn về người tiêu dùng, vị doanh nhân này khẳng định thói quen không tự nhiên có ngay mà phải thông qua một quá trình đào tạo, do đó doanh nghiệp cần làm ra những sản phẩm tốt, chứng minh cho người tiêu dùng thấy thì thói quen sẽ dần thay đổi.
Công ty Dịch vụ di động trực tuyến M_Service, chủ ví điện tử MoMo cũng thiết kế ứng dụng chuyển, nhận tiền trên cả hệ điều hành Android và iOS, kết hợp với hệ thống phân phối đã có trên toàn quốc để tạo thành mô hình dịch vụ trực tuyến (online) và cửa hàng vật lý (offline). Ông Nguyễn Bá Diệp – Tổng giám đốc M_Service tham vọng trong tương lai, các phụ huynh ở quê có thể chuyển tiền cho con đi học trên thành phố, giới văn phòng có thể chia sẻ tiền ăn trưa… thông qua chiếc ví điện tử.
Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết sắp tới cơ quan này sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và kỳ vọng đây là hành lang pháp lý để dịch vụ ví điện tử phát triển, sau nhiều năm phải làm thí điểm.
“Thị trường ví điện tử nói riêng và trung gian thanh toán nói chung rất tiềm năng vì đây là một trong các mao mạch thanh toán của nền kinh tế. Song, thị trường này phát triển được hay không là do tự bản thân doanh nghiệp tìm đúng được đường đi”, đại diện Hội Thương mại Điện tử phát biểu.
Từ tháng 9/2014, VnExpress tổ chức Chương trình bình chọn ngân hàng điện tử yêu thích nhất tại Việt Nam – My Ebank, với sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước và cố vấn chuyên môn của Công ty Dịch vụ thẻ Smartlink. Hội đồng Chuyên môn của chương trình gồm 8 thành viên là lãnh đạo các cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp hàng đầu về thanh toán không dùng tiền mặt Tất cả các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước đang cung cấp dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking cho khách hàng cá nhân tại Việt Nam đều có thể đăng ký tham gia chương trình. Dựa trên năng lực thực tế của các ngân hàng, đánh giá của Hội đồng Chuyên môn và bình chọn của độc giả, Ban Tổ chức sẽ công bố Top 5 ngân hàng được yêu thích ở từng hạng mục Internet Banking và Mobile Banking. Giải thưởng chính thức của chương trình, My Ebank sẽ được trao cho ngân hàng có tổng điểm cao nhất ở cả hai hạng mục. Độc giả bắt đầu tham gia bình chọn trên http://myebank.vnexpress.net từ 8h00 ngày 6/10/2014 đến 24h00 ngày 2/11/2014. Lễ công bố và trao giải thưởng My Ebank 2014 sẽ diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 11. |
Phương Linh