VCCI đề xuất lương tối thiểu tăng 9-10%

Ngày mai (25/8), Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên thứ hai để tiếp tục đàm phán, quyết định mức tăng lương tối thiểu cho năm 2016 nhằm kiến nghị lên Thủ tướng. Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 16%, phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp lại cho rằng mức tăng 6 – 7% mới là hợp lý. Điều này đã tạo nên những tranh luận gay gắt.

luong2-7182-1440383707.jpg

Ông Vũ Tiến Lộc cho hay mức tăng lương cần hợp lý để tránh cú sốc như Trung Quốc.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay khoảng 3%, lạm phát khoảng 1-3%, một mức tăng khoảng 9-10% là hài hoà. Nếu quá mức này, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và thất nghiệp sẽ gia tăng. 

Ông dẫn chứng các số liệu cho thấy, tiền lương tối thiểu giai đoạn 2005 – 2015 tăng 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm. Trong khi đó, năng suất lao động kể từ 2005 đến nay trung bình chỉ tăng 3% một năm. Nếu cộng thêm mức độ trượt giá của tiền đồng 10%, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn.

“Nếu như các đề xuất của bên đại diện cho người lao động thể hiện những mong muốn về một cuộc sống tốt hơn cho người công nhân, thì những kiến nghị của bên đại diện cho người sử dụng lao động lại đứng trên góc độ khả năng chi trả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Rõ ràng là giữa mong muốn và khả năng vẫn còn một khoảng cách khá xa và mỗi bên cần phải có những nhượng bộ nhất định để tiến tới những lợi ích chungmang tính tổng thể”, đại diện VCCI cho hay.

Vị này nhận định Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc. Chi phí tiền lương tăng khoảng 10% một năm trong thập kỷ qua đã khiến nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Đây là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế nước này gần đây đã giảm xuống mức còn 7% so với mức 10% trước kia, còn xuất khẩu trong tháng 7/2015 đã giảm 8,9% so với một năm trước đó. Hệ quả là nền kinh tế lớn nhất châu Á buộc phải thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm cho công nhân.

“Đối với các doanh nghiệp mà chi phí lao động chiếm trên 30% tổng chi phí, việc tăng lương thêm 16% sẽ khiến cho giá thành tăng thêm khoảng 5%. Với họ, đây chẳng khác gì một cú sốc phá giá đồng nhân dân tệ lần thứ hai”, ông Lộc nói.

Đồng quan điểm, ông Gabriel Demombynes – chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét nếu xác lập mức lương tối thiểu đặc biệt cao sẽ khiến việc làm bị cắt giảm. Theo vị này, mức tăng hiệu quả nhất được quyết định chủ yếu dựa trên yếu tố về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, ngoài ra, có thể cân nhắc thêm việc tăng giá và thu nhập tương đối. 

luong-JPG-3982-1440383708.jpg

Lương tối thiểu vùng tăng nhanh hơn năng suất lao động. Nguồn: WB

Nghiên cứu của WB cho hay lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt tăng trưởng năng suất lao động. Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một phần là nhờ chi phí nhân công rẻ, tăng lương tối thiểu sẽ góp phần làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước có mức tiền lương thấp hơn và ảnh hưởng đến việc làm

Trước đó, phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đầu tháng 8 kết thúc mà chưa đạt được sự thống nhất về mức tăng giữa các bên gồm đại diện cho chủ, đại diện cho người lao động và cơ quan Nhà nước. Năm 2015, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi tháng, tức tăng bình quân 14,8% so với năm trước. Năm 2014, mức tăng cũng xấp xỉ 15% so với 2013. Tháng 10 là hạn cuối cùng Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

Phương Linh

0913.756.339