USD tự do chạm 21.730 đồng

Đến 17h chiều nay, mỗi USD bán ra tại các điểm thu đổi ở Hà Nội là 21.690 đồng, tăng khoảng 10 đồng so với sáng. Giá mua vào dao động 21.660 đồng. Tỷ giá tại thị trường TP HCM cao hơn Hà Nội vài chục đồng, dao động quanh 21.670-21.730 đồng, cao hơn hôm qua 30 đồng. Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Lê Lợi (quận I) cho biết, giao dịch hôm nay tăng so với mấy ngày trước đó.

Diễn biến tăng giá của USD trong các ngân hàng bắt đầu từ 4/5 – ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Từ mức bán ra dao động quanh 21.630 đồng, các ngân hàng đã tăng 20 đồng lên 21.650 đồng. Sang ngày 5/5, mỗi đôla Mỹ vọt lên 21.670 đồng và đến hôm nay thì kịch trần 21.673 đồng (trừ Vietcombank giữ giá 21.670 đồng). Mức thu mua cũng được đa số nhà băng nâng lên sát 21.630 đồng đổi một USD. Như vậy, chỉ sau ba ngày, mỗi USD đã tăng 43 đồng và cao hơn đầu năm 268 đồng.

9091532ec52ef7f6d5c452e9f7cd93-1777-5665

Tỷ giá tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết không có căng thẳng cung cầu. Ảnh: PV.

Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cũng cho biết, diễn biến cung cầu trong hai ngày nay có phần căng thẳng. “Nhu cầu mua USD từ khách có tăng hơn nên chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá lên kịch trần”, vị này giải thích.

Ngoài ra, trên thị trường gần đây việc xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi như con số nhập siêu trong 4 tháng đầu năm gần 3 tỷ USD, bằng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra 5%). Ngân hàng Nhà nước đang được chỉ đạo nghiên cứu dùng dự trữ ngoại hối để cho vay ngân sách. Tiếp đó là thông tin Vietcombank đầu tư trái phiếu trị giá tới một tỷ USD tại thị trường nội địa.

Sức ép lên tỷ giá còn đến từ nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp nước ngoài, sự thu hẹp chênh lệch lãi suất bằng VND với lãi suất bằng USD, sự tăng giá USD toàn cầu có khuynh hướng chuyển tài sản đầu tư sang đôla Mỹ…

Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, cơ quan này có yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn báo cáo tình hình và nhu cầu ngoại tệ thực tế nhưng không thấy đơn vị nào kêu khó về nguồn cung. “Hiện tại, cung cầu ngoại tệ của các nhà băng vẫn bình thường và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu cần thiết sẽ có biện pháp can thiệp”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), giá USD danh nghĩa cả năm sẽ tăng hết dư địa 2% mà Ngân hàng Nhà nước đã vạch ra từ đầu năm dưới các áp lực hiện có. Tuy nhiên, Việt Nam đang bước vào một chu kỳ chính trị mới, tính ổn định vĩ mô được ưu tiên và sẽ không có những điều chỉnh đột ngột cho đến cuối năm.

Báo cáo này nhìn nhận khả năng kiểm soát tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (được đưa ra ở mức 36,7 tỷ USD ) và cán cân thanh toán vẫn thặng dư nên nếu điều chỉnh thì sẽ rơi vào cuối quý IV/2015. Ngoài ra, theo VEPR, quyết định lùi thời điểm tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), qua đó làm giảm mức tăng giá của USD trên toàn cầu, cũng phần nào ảnh hưởng nhất định đến quyết định giữ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Lệ Chi

0913.756.339