Thứ 3 vửa rồi, cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) bắt giữ 5 tài xế Uber sau một năm hãng này bắt đầu triển khai dịch vụ tại đây. Lý do được đưa ra là những tài xế này không đáp ứng đủ yêu cầu về bảo hiểm và giấy phép thuê xe theo luật.
Cảnh sát thu dọn một số máy tính và tài liệu từ văn phòng Uber về điều tra. Hai nhân viên tại đây cũng bị tạm giam. Người phát ngôn của Uber khu vực Bắc Á, Harold Li cho biết mọi chuyến đi của hãng đều được đã được bảo hiểm. “Chúng tôi cam kết bảo vệ những đối tác – tài xế và sẽ phối hợp chặt chẽ với cảnh sát để giải quyết vấn đề”, vị này phát biểu.
Cảnh sát bắt giữ một nhân viên Uber từ văn phòng của hãng tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 11/8. Ảnh: Reuters |
Australia tuần này cũng khẳng định 29 lái xe Uber sẽ phải đối diện với những án phạt về cung cấp dịch vụ taxi bất hợp pháp. Vào hồi tháng 6, 5 tài xế khác tại Jakarta (Indonesia) cũng bị giam giữ sau khi những hãng taxi địa phương phàn nàn về việc Uber hoạt động mà không có giấy phép lái xe taxi.
Trước đó một tháng, cảnh sát Trung Quốc tiến hành khám xét văn phòng Uber tại Thành Đô, Tứ Xuyên do những nghi ngờ về “hoạt động không phép”. Cuộc lục soát tương tự cũng diễn ra vào tháng 4 tại văn phòng Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Tây Ban Nha, Đức, Thái Lan và Hàn Quốc là những quốc gia đang cấm dịch vụ Uber. Tháng trước hãng này giành được một chiến thắng hiếm hoi tại Canada khi tòa án Ontario không chứng minh được Uber hoạt động như một hãng taxi.
Tất cả những cuộc điều tra này đều xuất phát từ bản chất loại hình hoạt động kinh doanh của Uber. Doanh nghiệp này luôn khẳng định mình là một hãng công nghệ, và không quản lý phương tiện giao thông hay thuê nhân viên làm tài xế. “Đây chỉ là dịch vụ kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu”, Clement Teo – chuyên gia phân tích tại Forrester nhận định.
Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ rõ ràng đối với cơ quan chức năng. Ví dụ Cơ quan thuế Australia yêu cầu tài xế Uber phải trả thuế giá trị gia tăng (GST) theo mức áp dụng đối với dịch vụ taxi, lữ hành. Mặc dù Uber tái khẳng định mình không phải là hãng taxi, nhưng chính quyền Australia cũng như nhiều nơi khác, cho rằng dịch vụ mà họ cung cấp không khác gì so với những hãng taxi khác.
Như vậy, sự giống nhau về dịch vụ cung cấp với những hãng taxi truyền thống khiến Uber đối diện với rất nhiều vụ kiện tụng. “Nguyên nhân nằm ở việc Uber đã bỏ qua phương thức kinh doanh truyền thống, mà đi kèm vào đó là rất nhiều quy định liên quan”, Daphne Kasriel Alexander – chuyên viên tư vấn tại Euromonitor chia sẻ.
Ngoài ra công nghệ mới mang tính sáng tạo và cả “hủy diệt” này đang khiến những tài xế truyền thống cảm thấy bất công.
Những tài xế taxi truyền thống biểu tình Uber tại Santa Monica, California năm 2014. Ảnh: Reuters |
Những vụ kiện tụng sẽ còn phức tạp hơn khi Uber tiếp tục cho rằng những lái xe không phải là nhân viên của hãng, do đó đẩy hầu hết trách nhiệm pháp luật cho những cá nhân này.
“Thay vì đẩy mọi rủi ro cho tài xế, Uber có thể tạo ra một thị trường mới, nơi mà rủi ro và phần thưởng được tái phân phối”, Brishen Rogers – Phó giáo sư Luật tại Đại học Temple (Mỹ) nhận định. Những câu hỏi đại loại như tài xế sẽ phải chịu rủi ro bao nhiêu? Họ sẽ nhận lại được những gì?… vẫn chưa được trả lời.
Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn hành khách cũng là mối lo ngại nữa của chính quyền, sau vụ một phụ nữ bị tài xế Uber xâm hại tình dục tại New Delhi năm ngoái. Quấy rối tình dục tiếp tục gây rắc rối cho hãng này, khi ba tháng trước, một tài xế tại Calcutta (Ấn Độ) bị bắt giữ vì hành vi quấy rối.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định hãng này sẽ không thay đổi chiến lược kinh doanh trong thời gian tới, dù đứng trước áp lực này. “Uber đã lớn đến độ hãng sẽ không thay đổi mô hình kinh doanh”, Clement Teo nhận định.
Theo Wall Street Journal, Uber vừa trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thế giới với 51 tỷ USD sau 5 năm hoạt động. Nó cũng là một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên kho Google Play và Apple Store. Hãng cũng tuyên bố đã “tạo ra” 15,000 công việc chỉ riêng tại Australia trong năm nay.
Đức Anh (Theo CNBC)