Tỷ phú Soros: Đà suy giảm của Trung Quốc sẽ lan ra toàn cầu

“Hạ cánh cứng (nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó là suy thoái) là không thể tránh khỏi. Tôi không dự đoán, mà đang quan sát nó”, ông trả lời Bloomberg khi đang tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thụy Sĩ.

Tỷ phú đầu tư cho rằng chỉ số S&P 500 của Mỹ sẽ đi xuống, các nước sản xuất hàng hóa sẽ chịu tác động tiêu cực và tiền tệ châu Á cũng vậy. Riêng giá trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ tăng. Đà suy giảm của Trung Quốc sẽ lan ra toàn cầu, dù giới chức nước này có nguồn lực để kiểm soát tình hình trong nước.

ty-phu-soros-da-suy-giam-cua-trung-quoc-se-lan-ra-toan-cau

Tỷ phú George Soros tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay. Ảnh: Bloomberg

Đây cũng là quan điểm của nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới khác, như Jeffrey Gundlach của DoubleLine Capital hay Scott Minerd của Guggenheim Partners. Họ đều cảnh báo giá các tài sản rủi ro sẽ đi xuống sau đợt bán tháo khiến chứng khoán toàn cầu bốc hơi 16.000 tỷ USD từ tháng 6 năm ngoái, đồng thời đẩy giá hàng hóa xuống đáy hơn 2 thập kỷ. Lo ngại về tình hình tại Trung Quốc đã gây náo loạn tài chính toàn cầu năm nay, trong bối cảnh niềm tin nhà đầu tư vào khả năng cải tổ của Chính phủ suy giảm.

George Soros sinh năm 1930, là nhà đầu cơ nổi tiếng người Mỹ gốc Hungary. Ông trở nên giàu có sau thương vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992 và kiếm được hơn 1 tỷ USD chỉ trong một ngày. George Soros được đặt biệt danh “kền kền” do chuyên kiếm lời từ các doanh nghiệp, thậm chí là các nền kinh tế, đang lao đao. Theo Bloomberg, ông hiện sở hữu tài sản 24,4 tỷ USD.

Gần đây, ông liên tục cảnh báo về khả năng lặp lại khủng hoảng tài chính 2008. Hồi tháng 9/2011, tỷ phú cho rằng cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu “tồi tệ hơn cả năm 2008”. Đầu năm nay, ông nhắc lại cảnh báo về nguy cơ này.

Soros cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế thực của Trung Quốc chỉ là 3,5%, chứ không phải 6,8% trong quý cuối năm ngoái như công bố. Khối nợ không bền vững và dòng vốn đang ào ạt chảy khỏi đây cũng là các dấu hiệu của hạ cánh cứng. Trong 11 tháng đầu năm ngoái, khoảng 843 tỷ USD đã rời khỏi nền kinh tế lớn nhì thế giới này.

Trung Quốc tăng trưởng chậm lại xảy đến cùng lúc với giá dầu yếu và cuộc đua hạ giá nội tệ. Những việc này càng làm tăng rủi ro suy giảm trên toàn thế giới, Soros cho biết. Việc này sẽ khiến 2016 trở thành một năm “khó khăn” với thị trường, do đây là kịch bản không hề quen thuộc với nhà đầu tư. Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 12/2015. Trong khi đó, sản xuất Trung Quốc đi xuống tháng 46 liên tiếp.

Dù vậy, theo Goldman Sachs Private Wealth Management, không phải ai cũng có nhận định bi quan như vậy. Hãng này cho rằng nhà đầu tư đã đánh giá quá cao tác động của Trung Quốc lên thế giới. Và nền kinh tế này có thể tránh được hạ cánh cứng năm nay.

Heather Arnold – Giám đốc Nghiên cứu tại Templeton Global Advisors cũng cho biết Trung Quốc không phải là mối lo ngại lớn với nhà đầu tư toàn cầu. Và bà khuyến khích khách hàng mua cổ phiếu. “Sự bi quan hiện tại là không hề có nền tảng”, Arnold cho biết.

Chứng khoán Mỹ hôm qua đã hồi phục từ đáy 21 tháng. Đà tăng này đã tác động tích cực lên các thị trường châu Á sáng nay. Nikkei 225 tăng 4,4%, giá dầu cũng tăng nhẹ 0,6%.

Dù vậy, Soros cho rằng ông vẫn chưa nhận thấy dấu hiện các thị trường đã chạm đáy và hiện tại còn quá sớm để mua vào. “Năm nay sẽ là một năm khó khăn, và cán cân đang nghiêng về hướng giảm. Nếu đã có đáy rồi, thị trường luôn có thể chạm đáy lần nữa mà”, ông kết luận.

Hà Thu

0913.756.339