Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm nên nguồn tài nguyên thực vật phong phú, đa dạng. Theo số liệu Viện dược liệu công bố năm 2010, Việt Nam có khoảng 14.000 loài thực vật, nấm và tảo, trong đó có gần 4.000 loài cây thuốc và nấm làm thuốc. Gần 50 loài cây thuốc đang được trồng và thu hoạch làm dược liệu theo quy mô sản xuất hàng hóa.
Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung và ông Nguyễn Thiện Nhân tại hội chợ khoa học – công nghệ. |
Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung có trụ sở tại khu kinh tế nam Phú Yên thuộc xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, trên một khu đất 10 hecta với đủ các loại cây thuốc. Cây diệp hạ châu, tần dày lá, hồng đài, sâm bố chính (nhâm sâm Phú Yên), dây thìa canh, trinh nữ hoàng cung, xuyên tâm liên, dừa cạn, kim tiền thảo, lạc tiên tây, gừng, đinh lăng, đương quy, phan tả diệp… được trồng xen kẽ với nhau trải trên một nông trại ven biển. Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc trung tâm đã tiếp quản khu đất cát ven biển này từ năm 1987 và bỏ nhiều công sức, tâm huyết để xây dựng nên một trung tâm chuyên trồng và chế biến dược liệu. Trải qua thời gian dài vất vả, khó khăn, trung tâm đã được trang bị nhiều máy móc hiện đại với lực lượng lao động có tay nghề cao. Các kho tiếp nhận, sơ chế, chiết xuất, tinh chế có quy mô lớn với nhiều máy móc thiết bị để phục vụ khâu chế biến sau thu hoạch. Để bảo vệ vườn giống, vườn sản xuất, vườn bảo tồn cây thuốc ven biển, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh đã cho trồng phi lao ở xung quanh trung tâm để tránh gió, cát. Những cây thuốc được trồng dàn theo hướng Đông – Tây để cây đón ánh nắng mặt trời, sinh trưởng tốt.
Đến thăm trung tâm năm 2013, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhận xét: “Điều mà trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung thực hiện tốt là phát huy rõ vai trò, vị trí, thế mạnh của 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong việc phối hợp phát triển nguồn dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia. Trong đó, nhà nước có tầm nhìn vĩ mô trong việc hoạch định cơ chế, chính sách; nhà nông phát triển nguồn dược liệu; nhà khoa học nghiên cứu các đề tài; nhà doanh nghiệp sản xuất và bán các sản phẩm từ dược liệu. Đây là một mô hình tốt, phát triển dược liệu theo nhu cầu tiêu thụ, tránh rủi ro cho công ty. Bên cạnh tạo ra công ăn việc làm cho người dân, mô hình này còn giúp Nhà nước phát triển nguồn gen”.
Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh và sở KHCN -TP HCM trên cánh đồng diệp hạ châu ở Phú Yên. |
Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh năng động và đặc biệt đam mê việc phát triển nguồn dược liệu Việt Nam. Trước khi đặt chân đến vùng đất này, bà đã tốn nhiều thời gian khảo sát sinh thái khí hậu của các tỉnh miền Trung và nhận thấy Phú Yên là mảnh đất phù hợp: nhiều nắng, lượng mưa vừa và rải đều, người nông dân chăm chỉ cần cù, tuân thủ tốt các giải pháp tiến bộ kỹ thuật để phát triển cây dược liệu.
Bà cho biết: “Khi ấy, những người dân sống xung quanh tỏ ra không tin tưởng vào kế hoạch của mình. Đây là vùng đất cát chỉ có cỏ dại và xương rồng mọc được, cây thuốc sẽ khó phát triển. Mảnh đất này, dân địa phương không ai dám cất nhà lập vườn, huống gì cô kỹ sư gốc thành phố. Họ nghĩ chúng tôi chỉ đến rồi đi chứ không thể bám trụ, gắn bó lâu dài với công viẹc này”. Thế nhưng với quyết tâm cao, vị kỹ sư trẻ đã cố gắng làm tốt công việc của mình: ” liên kết với những nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, trường Đại học và lao động địa phương biến mảnh đất cát hoang thành vườn cây thuốc xanh mát và khi người dân thấy mình làm được, họ sẽ tin tưởng hợp tác”.
Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh tại hội nghị bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc của Bộ Y Tế. |
Đến năm 1993, sau 6 năm miệt mài nghiên cứu và phát triển, kế hoạch trồng dược liệu có kết quả bước đầu từ việc trồng cây dừa cạn xuất khẩu cho Hungari làm thuốc chữa ung thư. Đến nay, ngoài 10 hecta tại nông trại, trung tâm còn nghiên cứu kỹ thuật trồng và chế biến để hợp tác với 150 hộ dân trồng 5 hecta cây cỏ mực, 5 hecta cây tần dày lá và 30 hecta cây diệp hạ châu theo GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới). Song song với trồng cây dược liệu, trung tâm còn sản xuất, đưa ra thị trường nhiều nguyên liệu và sản phẩm trà dược liệu, phân phối đến nhiều nhà thuốc, các công ty dược liệu cũng như các nhà máy dược GMP trên cả nước. Với hệ thống trang trại và vùng trồng cây thuốc của chi nhánh công ty TNHH sản xuất thương mại Hồng Đài Việt – trung tâm nghiên cứu sản xuất dược liệu miền Trung có quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng GACP – WHO. Sản phẩm dược liệu của Trung tâm trong nhiều năm đã được xuất khẩu vào các thị trường Đức, Pháp, Nhật, Đài Loan, Hungary. Gần đây, thông qua việc tham gia vào dự án “Phát triển hoạt động BioTrade trong lĩnh vực nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam” do tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Vietnam thực hiện cùng đối tác trong nước là viện Dược liệu, cán bộ của trung tâm cũng được tập huấn tăng cường năng lực và học tập trao đổi với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế uy tín trong lĩnh vực nguyên liệu tự nhiên, tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của trung tâm.
Các đoàn khách đến thăm quan trung tâm nghiên cứu sản xuất dược liệu miền Trung và mô hình sản xuất dược liệu sạch tại Phú Yên đều khẩm phục kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh- người phụ nữ đã đem hết tâm huyết đem lại xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp về dược liệu thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Phú Yên và sản phẩm dược liệu có chất lượng cho ngành dược Việt Nam.
(Nguồn: Dự án Biotrade)