Các hãng sản xuất điện sẽ được bán điện cho người dùng thông qua các sàn giao dịch năng lượng tại địa phương, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) vừa thông báo trên website.
“Mua trực tiếp sẽ giúp khôi phục tính chất hàng hóa của điện và là một bước đi quan trọng hướng tới mở cửa hoàn toàn thị trường điện Trung Quốc. Giao dịch trực tiếp sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng” khi giá than thấp và nguồn cung điện dư thừa đẩy giá xuống, Bloomberg trích thông báo của NDRC cho biết.
Người dân Trung Quốc sẽ được mua điện trực tiếp từ các hãng sản xuất. Ảnh: Bloomberg |
Điện là một trong những ngành công nghiệp được coi là lực đẩy cải tổ doanh nghiệp nhà nước và giúp tăng vai trò của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực. NDRC sẽ thử nghiệm chương trình này cho đến năm 2018.
Gần đây, Trung Quốc cũng đã có nhiều cải tổ trong lĩnh vực này. Hồi tháng 9, một quan chức NDRC cho biết họ đã mở rộng thử nghiệm bán điện trực tiếp cho 7 thành phố, từ chỉ một hồi đầu năm. Họ cũng sẽ thiết lập một sàn giao dịch điện tử và không tham gia định giá sau khi các quy định mới được ban hành.
Trung Quốc đã đưa ra nhiều luật cải cách thị trường điện từ tháng 3, nhằm nới lỏng độc quyền của Chính phủ và khuyến khích cạnh tranh trong giá năng lượng. Các công ty phân phối điện quốc doanh, như State Grid Corporation of China, China Southern Power Grid và Inner Mongolia Power Group sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ và chỉ tính phí vận tải điện.
3 hãng này hiện quản lý việc truyền tải, phân phối và bán điện tại Trung Quốc. Riêng State Grid chiếm 80% thị phần trong nước, Bloomberg New Energy Finance cho biết.
Việc cải tổ sẽ cho phép các hãng sản xuất điện đi thẳng vào thị trường bán lẻ và mở rộng nguồn thu, thay vì phải qua các hãng phân phối như hiện tại, Shi Yan – nhà phân tích tại UOB-Kay Hian cho biết. “Nếu được thực hiện đúng, người dùng tại hầu hết các khu vực có thể được hưởng giá thấp hơn, do có nhiều nhà cung cấp xếp hàng chờ họ ký hợp đồng”, Shi nhận xét.
Hà Thu