Zhou nhậm chức năm 2002, khi Alan Greenspan vẫn còn là Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Ông đã thực hiện 2 vòng thắt chặt và 2 vòng nới lỏng tiền tệ, với tổng cộng 22 động thái can thiệp vào lãi suất cho vay kỳ hạn một năm và 20 lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn tương ứng. Bloomberg nhận xét, chỉ bằng các phép tính đơn giản, chúng ta cũng có thể thấy động thái vừa qua của ông Zhou không thể là duy nhất.
Bằng việc gia nhập trào lưu nới lỏng cùng thống đốc Nhật Bản – Haruhiko Kuroda và Chủ tịch ECB – Mario Draghi, Zhou đã phát tín hiệu lo ngại về triển vọng của Trung Quốc và công nhận các biện pháp hiện tại không đủ để hồi sinh tăng trưởng. Một khảo sát cuối tuần trước của Bloomberg cho thấy nhiều nhà kinh tế học dự đoán Trung Quốc sẽ còn nới lỏng nữa cho đến giữa năm sau.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc – Zhou Xiaochuan. Ảnh: Bloomberg |
“Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ còn tiếp tục hạ lãi suất. Động thái của nước này cho thấy môi trường tiền tệ trên toàn cầu ngày càng được nới lỏng với các chính sách của Nhật Bản, châu Âu và Trung Quốc, sau khi Mỹ dần rút QE”, Shane Oliver tại AMP Capital Investors cho biết.
Lãi suất cho vay kỳ hạn một năm của Trung Quốc có thể sẽ về 5,35% vào giữa năm sau. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn tương ứng sẽ về 2,5%, theo khảo sát của Bloomberg.
Cuối tuần trước, PBOC đã hạ lãi suất cho vay kỳ hạn một năm thêm 0,4% xuống 5,6% và lãi suất tiết kiệm giảm 0,25% về 2,75%. Tuy nhiên, PBOC cho biết họ không thay đổi lập trường chính sách “thận trọng” hiện tại.
Zhou có tiền sử thực hiện hàng loạt chính sách tiền tệ. Lần gần đây nhất, ông giảm cả lãi suất tiền gửi và cho vay trong hai tháng 6 và 7/2012.
“Công việc của ngân hàng trung ương trước đây rất đơn giản. Họ chỉ việc nâng lãi suất khi kinh tế khởi sắc và hạ lãi khi kinh tế đi xuống. Nhưng giờ mọi chuyện đã phức tạp hơn nhiều, khi tăng trưởng thì yếu, còn rủi ro tài chính lại cao”, Tao Dong – Kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Credit Suisse nói.
Năm nay, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng yếu nhất gần ba thập kỷ. Trong khi đó, rủi ro tài chính từ nợ chính quyền địa phương, các dự án bất động sản và doanh nghiệp nhà nước lại tăng lên.
Trước khi nhờ cậy đến lãi suất cơ bản, PBOC đã thực hiện rất nhiều biện pháp để hạ lãi suất thực, nhưng đều thất bại. Cơ quan này không được tự do điều chỉnh lãi suất và phải thông qua Thủ tướng Trung Quốc – Lý Khắc Cường.
Li-Gang Liu tại Ngân hàng ANZ nhận định bước tiếp theo của PBOC có thể là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). “Điều kiện để nới lỏng thêm nữa đang chín muồi. Trong bối cảnh các chính sách tiền tệ hiện tại không hiệu quả, chúng tôi cho rằng PBOC sẽ phải giảm RRR để đối phó với nguy cơ giảm phát”, ông cho biết. RRR tại Trung Quốc hiện là 20% và được dự báo giảm xuống 19% giữa năm tới.
Hà Thu