Trang trại rau hữu cơ kiểu Nhật trên cao nguyên

Ham học hỏi, lại năng động nên ông Nguyễn Quốc Thắng ở Đơn Dương (Lâm Đồng) sau một thời gian miệt mại làm nông nghiệp, chăm bón, phun thuốc hóa học đủ mỏi cách nhưng vườn rau của gia đình ông vẫn thiếu hiệu quả. Vì mong mỏi tìm được phương thức cách làm mới ông quyết định sang Nhật học hỏi kinh nghiệm trồng rau sạch. Năm 2010, ông bắt tay vào nghiên cứu trồng rau hữu cơ.

Ông kể, khi bắt tay vào trồng, bất kể loại rau nào cũng bị sâu bọ phá hoại nên để tránh gây độc hại, ông mua hạt neem, học cách tách hoạt chất từ loại hạt này rồi pha với nước phun lên cây rau nhằm chống sâu bọ, côn trùng gây hại. Tiếp đó, ông tiến hành cải tạo đất bởi sau mấy chục năm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học cùng chất kích thích sinh trưởng nhân tạo, đất đã bị ngộ độc, mất đi sự cân bằng vốn có, trồng bắp cũng không lên nổi. Tưởng rằng như thế đã ổn, nào ngờ hàng nghìn mét vuông rau 1-2 tuần tuổi đang xanh tốt bỗng trơ cành trụi lá chỉ sau vài ngày. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đầu tư cho lứa rau hữu cơ đầu tiên tan thành mây khói…

rau_1442109248.jpg

Ông Thắng trong vườn rau hữu cơ giống ngoại nhập.

“Thì ra đất vẫn chưa được cải tạo ổn định, lượng tồn dư phân bón, thuốc hóa học trong đất vẫn còn nhiều. Tiếp tục sử dụng chế phẩm sinh học trichoderma và trồng cây luân canh suốt 3 năm ròng, tôi mới hoàn thành việc khử độc 7 ha đất”, ông Thắng bộc bạch.

Mặt khác, ông nghiên cứu trồng đại trà cây lạc hoang dại, loài cây có nhiều nốt sần để tạo đạm. Bộ rễ chùm tươi tốt của lạc miệt mài khoan những đường rãnh nhỏ dưới mặt đất, tạo môi trường thuận lợi cho giun và các sinh vật có lợi khác sinh sôi. Lớp đất vốn bị chai sạn bởi hóa chất dần trở lại mềm mịn, tơi xốp, giúp bộ rễ của các cây rau, củ khác phát triển khỏe mạnh, loại bỏ những mầm mống của bệnh hại tiềm ẩn. 

“Một số loài bọ đến thuốc hóa học cũng chào thua nhưng dung dịch chứa hoạt chất hạt neem lại trị được. Vấn đề là điều chỉnh liều lượng chế phẩm này sao cho tương ứng với mức độ hoành hành của sâu bọ trên cây rau”, ông Thắng khẳng định.

Ông giải thích thêm, chế phẩm hạt neem màu xám nhạt, vị đắng, mùi hăng hắc, 4 lít chế phẩm hạt neem (mỗi lít khoảng 90.000 đồng) sẽ được pha với 400 lít nước rồi tưới cho một ha rau.

Mỗi tuần một lần, dung dịch này theo hệ thống đường ống ngầm và hệ thống tưới phun đến từng luống rau, không chỉ diệt trừ tương đối nhanh các loài sâu và nấm bệnh trên mặt đất, tuyến trùng dưới mặt đất mà còn phát tán mùi hăng để xua đuổi các loại côn trùng gây hại, ức chế và giảm khả năng đẻ trứng của các loài sâu bệnh khác.

Bên cạnh đó, ông nuôi và thả một số thiên địch như bọ xít, ong ký sinh ra vườn rau để chúng bắt mồi nhằm tạo môi trường tự nhiên đối kháng giữa sinh vật có lợi và sinh vật có hại. Mật độ sâu nhờ vậy luôn bị kiềm chế, không thể tăng cao phá hoại rau màu. Ông còn treo những miếng bẫy bằng vải nhựa màu vàng sặc sỡ, trên mặt vải quét một lớp keo dính sinh học với nhiều mùi hương thu hút các loại côn trùng khác nhau.

Biện pháp khá hiệu quả nữa để xua đuổi sâu bọ là sản xuất luân canh, xen canh các loại rau có tính đối kháng với nhau. Chẳng hạn, trồng xen cải Nhật với đậu, bó xôi… Mặc dù rất ghiền loài cây họ đậu nhưng do ngán mùi hăng của cây cải Nhật nên bọ nhảy không bén mảng đến khu vực này. Tương tự, cà rốt có thể trồng xen với ngô và liên canh với cà tím, khoai lang, củ cải… 

Một lợi thế khác là ông Thắng có phòng nuôi cấy mô và vườn ươm cây giống theo công nghệ cao rộng tới 2 ha mang tên Thiên Sinh. Ông nhập giống mới của Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan và nghiên cứu, sản xuất tới 10 giống rau chủ lực (cà chua, cà rốt, bắp ngọt, cải trắng, cà tím, đậu nành, rau thơm, đậu bắp, bó xôi…) có khả năng kháng bệnh và lợi thế cạnh tranh về năng suất, chất lượng. Mỗi năm, ngoài số cây trồng trong trại, ông xuất bán từ 5-6 triệu cây giống. 

Đặc biệt, ông đã đầu tư cả chục tỷ đồng để lập phòng nuôi cấy mô, dựng vườn ươm, nhà kính trồng rau hữu cơ cùng với hệ thống tưới nước, bón phân tự động mô phỏng công nghệ Israel… Hiện mỗi ngày, trang trại thu hoạch khoảng 200 kg rau (nhưng chỉ đáp ứng được 50% đơn đặt hàng) để cung cấp cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam và các nhà hàng lớn ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Giá sản phẩm cao gấp 4-5 lần loại rau thông thường.

Đến thăm vườn ươm của ông Thắng mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Cao Đức Phát cổ vũ: “Anh làm rất tốt! hãy tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, góp phần tạo ra ngày càng nhiều nguồn giống đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp giá trị cao ở địa phương”.

Theo Tiền phong

0913.756.339