Tổng thư ký Vecom: ‘Cần thời gian để tăng thanh toán điện tử’

tong-thu-ky-vecom-can-thoi-gian-de-tang-thanh-toan-dien-tu

Ông Nguyễn Thanh Hưng.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom) cho rằng thanh toán điện tử tại Việt Nam còn hạn chế là do người tiêu dùng chưa bỏ được thói quen mang theo tiền mặt. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng chưa quan tâm thỏa đáng tới hình thức thanh toán này. 

– Ông đánh giá ra sao về sự phát triển của thanh toán điện tử trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến vài năm gần đây?

– Một khảo sát mới nhất của Hiệp hội Thương mại điện tử vừa thực hiện và sắp công bố cho thấy, hiện có 97% doanh nghiệp sử dụng hình thức giao dịch bằng chuyển khoản ngân hàng. Con số này tăng đều qua những năm gần đây. Còn các hình thức thanh toán trực tuyến như ví điện tử, thẻ thanh toán hoặc sử dụng internet banking sự chuyển biến lại không rõ ràng, lúc tăng, lúc giảm. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch của thương mại điện tử mỗi năm thường tăng trưởng trên 30%. 

Điều đó cho thấy, các hình thức thanh toán trực tuyến chưa phát triển tương xứng với sự tăng trưởng của thương mại điện tử. Nguyên nhân chủ yếu là lòng tin của người tiêu dùng vào hình thức thanh toán tiên tiến chưa cao, những rủi ro trong việc sử dụng phương tiện thanh toán trực tuyến tương đối lớn nên khách hàng rất e ngại. Đứng trước thực tế đó họ có thiên hướng chọn hình thức giao dịch khi nhận hàng hơn là thanh toán điện tử. 

– Thanh toán trực tuyến chiếm tỷ lệ ít gây ra trở ngại gì đối với sự phát triển của thương mại điện tử thưa ông?

– Tình trạng đó làm giảm hiệu quả của thương mại điện tử nói chung, đồng thời gây khó khăn cho người bán hàng và doanh nghiệp. Việc chậm thu được tiền khiến chi phí kinh doanh của đơn vị bán hàng tăng lên. Ngoài ra, hiệu quả quay vòng vốn chậm lại vì thực tế nếu bán rồi giao hàng, sau đó khoảng 3-7 ngày mới thu được tiền về. Cùng với đó là phương thức thanh toán COD khiến bên bán hàng chịu rủi ro cao hơn vì xác suất bị trả lại hàng hoặc không giao dịch thành công (do không liên hệ được với khách) vẫn có thể xảy ra. 

– So sánh với những quốc gia khác, thanh toán điện tử trong mua sắm trực tuyến của Việt Nam đang ở mức nào thưa ông?

– Khi đưa ra một so sánh nên có sự phân loại nhóm đối tượng thì sẽ khách quan hơn. So với những nước có GDP tương đương Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á thì mức độ sẽ không quá chênh lệch. Còn nếu so với những quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản… thì rõ ràng Việt Nam còn có một khoảng cách khá xa. 

– Nguyên nhân chính của khoảng cách lớn đó là gì thưa ông?

– Ở những quốc gia phát triển, việc mua sắm, thanh toán trực tuyến đã trở thành văn hóa. Tiền mặt được sử dụng với tỷ lệ rất thấp từ nhiều thập kỷ nay. Có lần tôi đi công tác ở một trong những quốc gia phát triển, khi vào siêu thị cầm theo tiền mặt, mọi người xung quanh tỏ ra rất ngạc nhiên. Một số người cũng kể với tôi về việc đi công tác châu Âu và cầm theo một khoản tiền mặt mà việc tiêu xài khá phức tạp, bất tiện hơn là cầm thẻ. 

Nguyên nhân thứ 2 là hạ tầng thanh toán của họ tốt, độ tin cậy cao. Mọi nơi đều được trang bị máy móc, thiết bị thanh toán rất tiện lợi. Thứ ba là hệ thống pháp luật ở những nước này khá chặt chẽ, hành vi ăn trộm thông tin cá nhân trong thẻ tín dụng bị xử lý rất nặng, tính an ninh trong thanh toán rất cao. Trong 3 lý do nói trên, 2 yếu tố đầu tiên tôi cho rằng quan trọng nhất và quyết định sự phát triển của thanh toán điện tử. 

tong-thu-ky-vecom-can-thoi-gian-de-tang-thanh-toan-dien-tu-1

Theo Hiệp hội thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến những năm gần đây tăng trưởng chậm. Ảnh: paynseconds

– Theo ông, phải mất bao lâu để thanh toán điện tử trở thành thói quen khi mua sắm trực tuyến của người Việt?

– Tôi không dám đưa ra một con số cụ thể vì điều này phải mất thời gian nghiên cứu, chứ không thể đoán mò. Tuy nhiên, việc hình thành thói quen, lòng tin của người tiêu dùng không thể làm được trong ngày một ngày hai.

Chúng ta phải thấy một thực tế là trước khi dùng thẻ hoặc thanh toán trực tuyến, ở các quốc gia phát triển họ đã từng dùng séc, cũng như rất nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong suốt vài chục năm. Do đó, từ thanh toán không dùng tiền mặt sang thanh toán trực tuyến là một bước rất dễ.

Còn ở Việt Nam, kể cả bảo mật tốt hơn thì thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thể ngày một ngày hai mà thay đổi. Hơn nữa, để tăng tính tiện lợi thì phải đảm bảo độ phủ trên của các trang thiết bị thanh toán. Ví dụ như hiện nay, khi đi ra quán bún, phở mà muốn thanh toán trực tuyến thì làm gì có máy cà thẻ. Do đó, người dân khi ra đường ai cũng nghĩ phải giắt theo tiền tiêu nên thói quen dùng tiền mặt khó bỏ được. 

– Kể cả khi người tiêu dùng muốn thanh toán trực tuyến thì hiện nhiều doanh nghiệp, đơn vị bán hàng online vẫn không trang bị phương tiện. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

– Khi trang bị các phương tiện này, đơn vị bán hàng, doanh nghiệp hầu như đều sẽ mất thêm phí, trong khi năng suất, lợi nhuận của doanh nghiệp thương mại điện tử chưa cao. Do đó, thực tế các doanh nghiệp thừa sức trang bị phương tiện nhưng họ vẫn không làm vì tiếc khoản phí phải trả cho đơn vị trung gian thanh toán. 

Đối với những cửa hàng nhỏ cũng chưa quan tâm tới việc đầu tư máy đọc thẻ. Không ít lần tôi chứng kiến có khách hàng đề nghị thanh toán điện tử nhưng đơn vị bán hàng trả lời luôn là không sử dụng.  Kể cả bản thân tôi khi ra khỏi nhà cũng không dám đi tay không vì sợ tiêu xài gì mà không có máy quẹt thẻ thì rất phiền. 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, khoảng 10 năm nữa thì bộ mặt của thanh toán điện tử khi mua hàng trực tuyến sẽ thay đổi cơ bản vì hiện nay, người tiêu dùng lớp trẻ ngày càng gia tăng, họ hiểu được thấy lợi ích của hình thức này.

Ngày 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin.

Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 sẽ là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính.

Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF và đăng ký tham dự.

Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ.

Ngọc Tuyên

0913.756.339