Ngụ tại huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), ông Nguyễn Văn Nam cho biết khi tham gia trồng keo, chi phí ban đầu mà gia đình ông phải bỏ ra khoảng 15 triệu đồng trên mỗi ha (tiền mua cây keo giống, phân bón, công trồng, phát dọn thực bì cho đến ngày thu hoạch).
“Trồng keo ít tốn công chăm sóc, nếu trồng, bón phân đúng kỹ thuật, mỗi ha có thể đạt 80 tấn keo nguyên liệu sau khoảng 5 năm trồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thể thu lãi hơn 60 triệu đồng từ mỗi ha”, ông Nam cho hay.
Gia đình ông Nam và nhiều hộ dân khác ở vùng cao Quảng Ngãi đẩy mạnh trồng keo thời gian qua chủ yếu do nhu cầu thu mua của thương lái cho các nhà máy sản xuất dăm gỗ tại địa phương. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 26 nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu. Do phát triển tự phát, thiếu quy hoạch dẫn đến tình trạng nhà máy “đói” nguyên liệu, tranh mua của nhau.
Người dân vác gỗ đi qua những rẫy keo bạt ngàn ở khu vực đầu nguồn huyện vùng cao Trà Bồng. Ảnh: Trí Tín. |
Theo tính toán, mỗi nhà máy dăm gỗ có công suất khoảng 60.000 tấn mỗi năm, nên với 26 nhà máy hiện tại, tổng công suất lên hơn 1,5 triệu tấn nguyên liệu. Hiện các doanh nghiệp đưa các nhà máy về đặt tại các huyện miền núi để thu mua với giá hơn 1 triệu đồng mỗi tấn, khiến nhiều hộ nông dân hy vọng có thể đổi đời từ cây keo.
Tuy nhiên, để có đất trồng keo, người dân đang đua nhau phá rừng để tăng diện tích. Theo Hạt Kiểm lâm Trà Bồng, gần 20 ha rừng phòng hộ, rừng tự nhiên sản xuất đã bị nhiều nhóm người cưa hạ để lấy đất trồng cây keo. Ngoài ra, cơ quan chức năng nơi đây cũng đang đo đạc, kiểm đếm nhiều vạt rừng đầu nguồn ở Tiểu khu 42 và 46 (xã Trà Thủy) bị tàn phá trên diện rộng.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho hay, huyện đã thành lập khẩn cấp Ban Bảo vệ rừng để ngăn chặn người dân tàn phá khu vực đầu nguồn, chiếm đất trồng keo. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường tổ chức truy quét; đồng thời củng cố hồ sơ những vụ tàn phá rừng nghiêm trọng để đưa ra khởi tố, xử lý hình sự.
Trước tình cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn, tình trạng phá rừng trồng keo nguyên liệu ngày càng nhiều, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các cơ quan chức năng hạn chế cấp phép xây mới nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được “giải nhiệt”.
Trí Tín