Thuế, hải quan bị chê… lãnh cảm

Tại buổi tọa đàm “Cải cách trong lĩnh vực thuế – hải quan, cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với việc thực hiện Nghị quyết 19” diễn ra ngày 14/10, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM cho rằng, thuế – hải quan là những khâu trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhưng hiện nay rất ít tỉnh thành kiểm tra về công tác thực hiện quy định này.

Theo ông Bé, Chính phủ và các bộ ngành rất quyết tâm thực hiện cải cách công tác thuế – hải quan để hội nhập, nhưng càng xuống cấp dưới thì quyết tâm này càng “nguội” bởi các cơ quan thuế và hải quan ở địa phương gần như là “lãnh cảm”.

“Doanh nghiệp bị hành nhiều nhất chính là ở chỗ công chức thuế và hải quan do cơ chế hướng dẫn, sự nhập nhằng về luật, nghị định. Đây chính là lỗ hổng tạo điều kiện cho cán bộ nhũng nhiễu”, ông nói.

thue-hai-quan-dia-phuong-bi-che-lanh-cam

Doanh nghiệp bức xúc về chuyện “bôi trơn” thuế phí.

Ông Bé cho biết, hiện nay nhập máy móc về để đổi mới công nghệ mà doanh nghiệp vẫn phải chung chi. Chưa kể, máy móc đồng bộ nhưng vận chuyển theo các container thì bị hoạnh hoẹ là không đồng bộ, chỉ có thể ráp lại mới gọi là đồng bộ. “Nghe hải quan nói vậy mà lạnh xương sống và thế là doanh nghiệp lại phải chung chi. Máy móc mới 100% nhưng làm sao để biết được 100%, ai kiểm định? Thôi thì doanh nghiệp lại chung chi để cho êm chuyện”, ông Bé chia sẻ.

Kết quả khảo sát 62 doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghệ cao TP HCM về hải quan điện tử cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ tay. 11 doanh nghiệp trong số này cho rằng không công bằng trong việc xét luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ.

“Khối lượng hàng hóa ngày càng nhiều mà cứ xét luồng như vậy thì không ổn, trong khi chi phí hải quan trên mỗi container từ 150.000 đến 200.000 đồng”, ông nói và cho biết chưa kể doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kiểm tra chồng chéo. Hải quan không chấp nhận những giải thích chính đáng của doanh nghiệp,  thường đưa ra các mức phạt tối đa để “ép” doanh nghiệp phải thực hiện “hữu hảo”. Do vậy, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng công tác hải quan đang đối đầu với doanh nghiệp chứ không phải hợp tác, đối tác.

Riêng về công tác thuế, vị này cho rằng khá tiến bộ khi để doanh nghiệp tự kê khai, nộp thuế qua mạng, nhưng khâu hậu kiểm lại khó khăn. Theo đó, nếu doanh nghiệp khai thiếu sẽ bị phạt 0,05% một ngày. Nếu kéo dài nhiều năm mới phát hiện thì mức lãi suất trên đủ “giết chết” doanh nghiệp. Đó là chưa kể sẽ phạt 20% trên tổng số tiền đó nếu trong 5 năm và trong 10 năm vẫn phải nộp đủ tiền đã thiếu.

“Điều này là làm khó doanh nghiệp, bởi nhiều khi cán bộ thuế còn sai chứ nói gì đến người dân và doanh nghiệp không kê sai”, ông nhấn mạnh, đồng thời đưa ra dẫn chứng, một công ty lớn có thanh tra Chính phủ vào kiểm tra nhưng mãi đến 3 năm sau, kiểm toán Nhà nước vào thì mới thấy nợ 5 tỷ đồng, trong đó phân nửa là quá thời hạn. “Hiện nay có quá nhiều đoàn kiểm tra, cần có quy định chặt chẽ ai có  quyền kiểm tra và kiểm tra ai?”, ông đề nghị.

Ông Trần Đức Tùng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thẳng thắn cho biết, hoàn thuế cũng phải “bôi trơn”, không thì đến… Tết cũng không được hoàn.

Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI chi nhánh TP HCM Trần Ngọc Liêm thì thừa nhận, ngành thuế có quyết tâm cao nhưng chuyển biến từ cơ sở còn nhiều trì trệ và không như mong muốn của cấp lãnh đạo.

Bà Phạm Thu Hương, Phó trưởng Ban Dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam – đơn vị giám sát cuối cùng những kiến nghị của doanh nghiệp và hiệp hội thừa nhận, Trung ương rất nóng lòng nhưng cơ sở lại thực hiện chậm. Theo bà, chính sách hoàn thiện nhưng con người nhũng nhiễu thì khó thực hiện tốt. Đồng thời bà cho rằng, nhà quản lý luôn lắng nghe doanh nghiệp nhưng cũng muốn cộng đồng doanh nghiệp có ý thức tốt hơn trong thực hiện chính sách, pháp luật.

Lệ Chi

0913.756.339