Thứ trưởng Giao thông trả lời trực tuyến về Sân bay Long Thành

Theo lịch trình dự kiến, ngày 25/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai) – dự án gây chú ý suốt 3 năm qua bởi quy mô, mức độ cần thiết cũng như vai trò sau khi hình thành. Ngành giao thông cho biết, sau khi hoàn tất toàn bộ các hạng mục vào năm 2050 với chi phí 15,8 tỷ USD, Long Thành có thể đón 100 triệu lượt khách mỗi năm, đồng thời mang hy vọng trở thành trạm trung chuyển quốc tế lớn của khu vực.

Longthanh111-6891-1434346400.jpg

Phối cảnh Sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Nếu được Quốc hội chấp thuận ngay tại kỳ họp này, ngành giao thông và chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có thể bắt tay vào xây dựng đề án khả thi cho dự án, tiến gần hơn tới việc xây dựng sân bay, vốn đã được coi là hết sức bức thiết khi bầu trời TP HCM đang ngày một chật chội với chỉ một sân bay Tân Sơn Nhất – nơi được quy hoạch và thiết kế cho nhu cầu cách đây nhiều năm. Tại phiên thảo luận ở hồi trường đầu tháng, đa số đại biểu đều bày tỏ ủng hộ chủ trương sớm xây dựng cảng hàng không quốc tế mới nêu trên.

Tuy nhiên, ngay cả khi tính cấp thiết đã được làm rõ và chủ trương xây dựng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, kế hoạch xây dựng sân bay Long Thành vẫn còn nhiều câu hỏi lớn mà người dân và dư luận đặt ra đối với những người thực hiện.

Về tài chính, dự án được đặc biệt quan tâm bởi số vốn đầu tư 15,8 tỷ USD, dù đã qua nhiều lần điều chỉnh, song vẫn là rất lớn trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đã vượt trên 60% GDP, tức là cận kề ngưỡng rủi ro theo các quy định về an toàn ngân sách. Một số ý tưởng về kêu gọi vốn bên ngoài cũng đã được đặt ra, song khả năng và cơ chế thu hút vẫn là điều chưa được làm rõ.

Toàn cảnh siêu dự án Sân bay Long Thành
Long-Thanh1-8314-1434419872.jpg
Chi tiết

Tiếp đến là sự nghi ngại về năng lực triển khai, quản lý một “siêu dự án” phức tạp về kỹ thuật và được thực hiện trong hàng chục năm trời. Nỗi lo này càng có cơ sở nếu đặt trong bối cảnh hàng loạt công trình với quy mô nhỏ hơn nhưng cũng đã bị chậm tiến độ, đẩy tổng mức đầu tư lên cao như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hay nhiều tuyến đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM… vốn được ngành giao thông triển khai trong những năm qua.

Sau khi hoàn tất và đưa đưa vào sử dụng (giai đoạn I dự kiến từ 2025), nhiều câu hỏi cũng đặt ra về khả năng vận hành, khai thác một tổ hợp dự án với công nghệ tối tân. Trước đó, không ít vụ việc đã xảy ra liên quan đến vấn đề này như sự cố như mất điện tại trung tâm điều hành bay hay những lùm xùm khi hai sân bay lớn nhất nước bị khách nước ngoài chấm điểm thấp.

Ngoài ra, vẫn còn những ý kiến trái chiều của một số chuyên gia hàng không cho rằng Tân Sơn Nhất còn có thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu, thay vì xây Long Thành trong điều kiện hiện nay…

Những băn khoăn nêu trên sẽ được lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải giải đáp với độc giả của VnExpress tại buổi phỏng vấn trực tuyến lúc 9h30 ngày 17/6.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi trực tiếp tới Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Cục trưởng Lại Xuân Thanh tại đây hoặc gửi về địa chỉ kinhdoanh@vnexpress.net.

VnExpress.net

0913.756.339