Thu nhập công nhân khó tăng theo lương tối thiểu

Làm việc tại nhà máy được gần 5 năm, thời gian đầu, chị Hòa cho biết thu nhập hằng tháng vẫn tăng 400.000-500.000 đồng qua từng năm Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, con số này gần như đứng yên ở mức 4,5 triệu đồng, gồm cả lương và phụ cấp. Cũng khoảng thời gian này, lương tối thiểu vùng được Nhà nước quy định tăng 2 lần, lần lượt 14% và 14,8%.

Thắc mắc với quản lý, chị Hòa và nhiều công nhân khác nhận được trả lời rằng mức lương hiện tại là cao nhất so với mặt bằng chung của nhà máy, cũng như cao hơn nhiều lương tối thiểu nên không thể tiếp tục tăng. “Năm 2013, mức lương như vậy có thể coi là nhỉnh hơn so với một số nhà máy khác, nhưng nay tôi phải rất tằn tiện mới để được tiền gửi về quê nuôi con”, nữ công nhân gốc Hòa Bình này than thở.

Cũng bởi lý do nêu trên nên dù có nghe tin lương tối thiểu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng từ đầu năm 2016 thêm 12,4% nhưng chị Hòa cho rằng việc này cũng không giúp nhiều cho những công nhân như chị. Tất cả tính toán hiện nay có lẽ chỉ hướng tới việc làm sao gói ghém tiền ăn, tiền trọ, tàu xe… hằng tháng trong khoảng 2 triệu đồng, để gửi được số tiền còn lại về quê.

cong-nhan-0.jpg

Nhiều người lao động ít được hưởng lợi trực tiếp từ việc tăng lương tối thiểu. Ảnh: ILO

Cũng làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, song hoàn cảnh của gia đình anh Dương (quê Phú Thọ) thậm chí còn khó khăn hơn khi có con nhỏ ở cùng. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 7 triệu đồng, nhưng riêng sinh hoạt phí đã mất mỗi tháng 5,5-6 triệu. “Đôi khi 2 vợ chồng ốm còn không dám mua thuốc men vì sợ như thế là tiêu lạm vào tiền nuôi con. Cứ tháng nào tiêu quá một hai khoản là lại phải co kéo vào những loại tiền khác,” anh Dương nói.

Là đại diện cho bên quyết liệt bảo vệ đề xuất tăng lương tối thiểu trong 3 cuộc họp gần đây của Hội đồng Tiền lương quốc gia, song Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – Mai Đức Chính cũng thừa nhận những trường hợp người lao động suốt mấy năm thu nhập không tăng như chị Hòa, anh Dương không phải là hiếm trên thị trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ không được hưởng lợi trực tiếp dù lương tối thiểu năm nào cũng tăng.

“Hiện bảng lương tối thiểu vùng chỉ có thể bảo vệ được những người có mức lương thấp nhất trong doanh nghiệp. Còn thực tế, không phải lương tối thiểu tăng thì mọi người lao động đều có thu nhập cao hơn“, ông Chính nói.   

Vị này dẫn chứng số liệu điều tra của Tổng liên đoàn vừa qua cho thấy trung bình lương ở Hà Nội đã là 4,4 triệu đồng, TP HCM 4,9 triệu đồng. “Không ít doanh nghiệp còn trả cho người lao động cao gấp rưỡi mức lương tối thiểu. Do đó, việc tăng lương tối thiểu chỉ tác động tới chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp”, ông Chính lý giải.

Chia sẻ thông tin nêu trên, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Hoàng Quang Phòng cũng cho răng việc lương tối thiểu tăng nhưng thu nhập của người lao động không tăng “hoàn toàn có thể xảy ra”. Theo ông, mức tăng như đề xuất của Hội đồng Tiền lương với 12,4% vẫn là “quá sức doanh nghiệp”, vì thực tế sẽ khiến chi phí của họ tăng hơn 20% do từ 1/1/2016, lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm cả các khoản phụ cấp.

Đang lãnh đạo một nhà máy nhựa với khoảng 800 công nhân tại TP HCM, ông Trần Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn nhận định việc tăng lương tối thiểu có thể giúp người công nhân có đồng lương cao hơn một chút, song lại khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là khi việc tăng lương lại đi trước tăng năng suất.

“Ở Trung Quốc, lương bình quân của công nhân trong ngành là 380 USD, tức là khoảng 8 triệu đồng thì họ làm ra 6 tấn nhựa một tháng. Còn tại Việt Nam, như ở Nam Thái Sơn, lương bình quân 6 triệu đồng thì năng suất 3,2 tấn. Như vậy, lương của công nhân Việt Nam đang khá cao, khó cạnh tranh khi xuất khẩu chứ chưa nói đến việc tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư, cải thiện môi trường làm việc”, vị này phân tích.

Kết quả khảo sát của VCCI được ông Hoàng Quang Phòng dẫn lại cũng cho thấy 76% doanh nghiệp không tán thành việc điều chỉnh lương tối thiểu. Do đó, ông Phòng cho rằng doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải tiết giảm chi phí thông qua việc cắt giảm các khoản thưởng, phụ cấp và thiệt thòi lại thuộc về những người làm công ăn lương. “Mà thực tế, người lao động sẽ chỉ quan tâm thu nhập nhận được hằng tháng là bao nhiêu, chứ không phải lương tối thiểu tăng bao nhiêu phần trăm”, ông này nói thêm.

Tuy vậy, về phía Tổng liên đoàn Lao động, ông Mai Đức Chính vẫn cho rằng còn một bộ phân không nhỏ người làm công ăn lương có thu nhập không đủ trang trải cho mức sống thấp nhất. Đây vốn là đối tượng cần được bảo vệ bằng lương tối thiểu. Cụ thể, khảo sát trong năm 2015 của cơ quan này thực hiện với 1.600 lao động thuộc các ngành khác nhau ở cả 4 vùng lương cho thấy vẫn có 20% lao động nhận lương không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy. 

Do vậy vị này cho biết trong thời gian tới, Tổng liên đoàn Lao động sẽ tiếp tục có kiến nghị Thủ tướng xem xét để đạt được đúng lộ trình là đến năm 2017, lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. 

Về phía doanh nghiệp, đại diện VCCI cũng thừa nhận lao động là vốn quý nên doanh nghiệp luôn có trách nhiệm chăm lo. Nếu họ được tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, điều kiện sống của công nhân cũng sẽ tăng lên. “Nhưng chúng ta không được quên rằng vẫn đang có hàng triệu nông dân mong muốn có việc làm trong khu vực doanh nghiệp để được nhận mức lương này. Và việc tăng lương tối thiểu quá cao sẽ lấy mất đi cơ hội thoát nghèo của họ”, vị này cảnh báo.

Sau 3 cuộc họp với nhiều tranh luận, ngày 3/9 vừa qua, phương án được Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất là đưa lương tối thiểu vùng I năm 2016 từ 3,1 triệu đồng một tháng (năm 2015) lên 3,5 triệu đồng trong năm sau. Mức áp dụng tương ứng cho các vùng II, III và IV là 3,1 triệu, 2,7 triệu và 2,4 triệu đồng. Như vậy, so với năm 2015, mặt bằng lương tối thiểu vùng dự kiến được tăng trung bình 12,4%. Phương án này sẽ được trình lên Chính phủ xem xét, quyết định.

Hà Linh – Thi Hà

0913.756.339