Khi đồng NDT của Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều trên quốc tế, giới quan sát đã hồ nghi đây sẽ là tiền tệ dự trữ tiếp theo của thế giới. Từ năm 2013, NDT đã lọt top 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất toàn cầu, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), nhờ tốc độ tăng trưởng GDP cao, cán cân thanh toán và vãng lai liên tục thặng dư cùng chính sách nới lỏng mạnh tay của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) suốt từ năm 2009 – thời điểm nước này nhận ra mình đang “mắc bẫy USD”.
Theo Barron’s, nền kinh tế đang chững lại của Trung Quốc sắp chạm tới ngưỡng mà Mỹ ngày càng nợ nhiều, lãi suất thấp và tiền tệ yếu sẽ có hại nhiều hơn là lợi. Họ đã cố đa dạng hóa sang các công cụ đầu tư lãi suất cao hơn, nhưng sẽ phải chấp nhận rủi ro từ các nước mới nổi hoặc khiến tài sản tại Mỹ đang nắm giữ mất giá khi bị bán tháo.
Vì vậy, Trung Quốc chọn giải pháp từ từ thuyết phục cả thế giới dùng tiền của mình. Bằng cách này, họ có thể hưởng lợi từ nội tệ mạnh khi chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu sau này, và thậm chí đi vay nước ngoài bằng chính tiền tệ của mình.
Gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa đồng NDT. Mục tiêu của họ là NDT được chấp nhận làm đồng tiền thanh toán, đầu tư và dự trữ tại nhiều khu vực trên thế giới.
Từ khi mở cửa năm 1978, thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác đã tăng đáng kể. Thời điểm đó, đồng NDT không được sử dụng và trao đổi ngoài biên giới Trung Quốc. Nó chỉ được một nhóm nhỏ doanh nhân nước ngoài có làm ăn với Trung Quốc chấp nhận.
Trung Quốc muốn nội tệ được sử dụng phổ biến như USD. Ảnh: CNN |
Đến năm 2004, Trung Quốc bắt đầu cho phép các cá nhân mở tài khoản bằng NDT ở Hong Kong (Trung Quốc). Bộ Tài chính và các tổ chức tài chính nước này cũng bắt đầu phát hành trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm bằng NDT ở Hong Kong. Đây chính là công cụ đầu tư đầu tiên của Trung Quốc bằng đồng NDT ở bên ngoài. Hong Kong cũng trở thành trung tâm NDT đầu tiên ngoài Trung Quốc khi Bank of China Hong Kong được chỉ định làm ngân hàng thanh toán đồng tiền này tại đây.
Năm 2009, London là cái tên tiếp theo. Đến giữa năm 2012, cả Hong Kong và London đã trở thành hai trung tâm NDT ở nước ngoài cho một loạt tổ chức và doanh nghiệp. Năm 2013, Singapore trở thành trung tâm kế tiếp khi Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) được chỉ định thanh toán bằng đồng NDT tại đây.
Diplomat nhận định London là cầu nối quan trọng để vào các thị trường châu Âu. Singapore kết nối các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á với các quỹ thanh toán bằng đồng NDT. Hong Kong đóng vai trò đặc biệt quan trọng để kết nối Trung Quốc với cả thế giới và trách nhiệm này sắp được Thượng Hải chia sẻ. Như vậy, bốn thành phố này sẽ là các chốt quan trọng để Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường tài chính toàn cầu, khuyến khích việc giao dịch và sử dụng đồng NDT.
Năm 2009, Trung Quốc cũng thử nghiệm thanh toán NDT trong các giao dịch quốc tế tại 5 thành phố lớn, gồm Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Châu Hải và Đông Hoản. Phạm vi thí điểm bên ngoài là Hong Kong, Macau và các nước ASEAN. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tỏ ra không mấy mặn mà với việc này, do nó có thể khiến NDT tăng giá, chi phí đi vay tăng lên và họ cũng thiếu các công cụ tài chính để phòng trừ rủi ro.
Tháng 6/2010, chương trình thí điểm được mở rộng tới 20 tỉnh của Trung Quốc và các nước còn lại trên thế giới. Tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu ở những khu vực thí điểm và 365 doanh nghiệp xuất khẩu đều được chỉ định tham gia chương trình. Tháng 8/2011, hoạt động này được áp dụng trên cả nước.
Từ năm 2010, lượng vốn bằng NDT luân chuyển tại các ngân hàng Hong Kong đã tăng khá mạnh. Hoạt động kinh doanh sử dụng NDT tại nước ngoài cũng phát triển nhanh.
Năm 2011, Trung Quốc cùng Hong Kong khởi động chương trình thử nghiệm RQFII, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện đầu tư bằng NDT vào chứng khoán, cổ phiếu Trung Quốc. Việc này đã kết nối thành công thị trường NDT ở nước ngoài với thị trường chứng khoán trong nước, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng các công cụ đầu tư bằng NDT tại Hong Kong.
Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cho phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bằng NDT, nới lỏng kiểm soát vốn và tăng cường vai trò đầu tư của đồng NDT.
Trên CNTV, ông Yi Xianrong – nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Tài chính thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận xét quá trình quốc tế hóa đồng NDT đã củng cố đáng kể vai trò thanh toán của tiền tệ này. Năm 2009, các giao dịch bằng NDT xuyên biên giới chỉ đạt 3,58 tỷ NDT, nhưng 3 quý đầu năm 2014, con số này là 4.800 tỷ NDT. Giao dịch bằng NDT đã phủ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Từ năm 2009, PBOC đã ký hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 3.000 tỷ NDT với 29 cơ quan tiền tệ nước ngoài. Hồi tháng 10/2014, Trung Quốc và Nga ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trong thời gian 3 năm với giá trị 150 tỷ NDT (24 tỷ USD) vào tháng 10. Theo thỏa thuận này, Nga có thể dùng rouble để đổi lấy NDT và trả lại sau đó bằng NDT.
Giữa tháng 11/2014, PBOC và ngân hàng trung ương Qatar, Canada và Malaysia đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác thanh toán bằng NDT và hoán đổi tiền tệ. Họ cũng thành lập các ngân hàng thanh toán bằng NDT tại Doha (Qatar) và Toronto (Canada). Cuối tháng đó, Trung Quốc cũng đạt thỏa thuận với Australia và Đức về thanh toán bằng NDT tại hai quốc gia này.
Từ năm 2013, Trung Quốc cũng mở rộng thanh toán bằng NDT và dịch vụ RQFII cho Anh, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Qatar, Canada, Luxembourg và Australia.
Economist tỏ ra ấn tượng với kết quả Trung Quốc đạt được trong quá trình quốc tế hóa nội tệ. Tính đến cuối tháng 6/2014, lượng tiền gửi bằng đồng tiền này ở nước ngoài đã tăng gấp 10 trong 5 năm. Thị trường trái phiếu niêm yết bằng NDT phát hành ngoài Trung Quốc từ không có gì đã lên hàng chục đợt bán mỗi tháng.
Theo Tổ chức Dịch vụ Thanh toán toàn cầu (SWIFT), giữa năm ngoái, NDT đã vượt franc Thụy Sĩ làm đồng tiền được sử dụng phổ biến nhất trong hệ thống thanh toán quốc tế. Đây là bước nhảy vọt so với vị trí 20 năm 2012. Tuy nhiên, NDT vẫn chỉ đóng góp 1,4% trong thanh toán toàn cầu, kém xa 42,5% của USD.
Bên cạnh đó, tháng 9/2013, Trung Quốc công bố dự thảo kế hoạch cho phép NDT được chuyển đổi hoàn toàn trong Khu vực Thương mại tự do Thượng Hải (FTZ). Nhưng trên Wall Street Journal, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tại đây lại tỏ ra thất vọng vì quy trình thực hiện chậm chạp. Những đột phá được trông đợi như cho phép các công ty phát hành trái phiếu niêm yết bằng NDT trong FTZ, hay các ngân hàng đầu tư và hãng môi giới 100% vốn nước ngoài được tự do tiếp cận thị trường vốn Trung Quốc vẫn chưa được thực hiện.
Gần đây, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ quốc tế hóa NDT và biến đây trở thành đồng tiền đầu tư, dự trữ trong hệ thống tiền tệ quốc tế, nhằm hiện thực hóa mục tiêu dài hạn là nới lỏng quản lý tỷ giá. Việc kết nối giao dịch 2 sàn chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải tháng 11 năm ngoái chính là công cụ quan trọng giúp NDT trở thành tiền tệ đầu tư lớn.
Trung Quốc cũng có tham vọng biến NDT thành đồng tiền dự trữ. Vì nếu không, họ sẽ khó giữ được vị thế trong hệ thống tiền tệ quốc tế, dù nền kinh tế có mạnh đến thế nào đi nữa.
Gần đây, có nhiều dự đoán cho rằng đến năm 2030, NDT có lẽ sẽ sánh ngang USD làm một trong những đồng tiền thống trị thị trường thế giới. Tuy nhiên, Yi Xianrong cho rằng đồng tiền này sẽ còn phải phấn đấu rất lâu nữa để bắt kịp các tiền tệ lớn trên thế giới, do Trung Quốc vẫn còn kiểm soát vốn và NDT không phải đồng tiền được tự do chuyển đổi.
Quan trọng hơn là xu hướng thay đổi cách quản trị toàn cầu của các nước phát triển vẫn chưa rõ ràng. Các quốc gia này không hề hài lòng với các quy tắc thị trường hiện tại và đang tìm cách hình thành một liên minh mới, đặt ra các luật mới với thị trường quốc tế, thông qua các thỏa thuận đầu tư và thương mại. Họ cũng sẽ thiết lập hệ thống hoán đổi tiền tệ ổn định hơn trong dài hạn.
Vì vậy, Trung Quốc sẽ phải đẩy nhanh tốc độ quốc tế hóa NDT, và củng cố vai trò đa nhiệm của đồng tiền này trong thanh toán, đầu tư và dự trữ nước ngoài nếu muốn đánh bóng sức mạnh trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Hà Thu