Trao đổi với VnExpress, ông Hồ Chương – Tổng giám đốc khu vực Đông Bắc bộ của một hãng taxi cho biết doanh nghiệp đang lắp đặt và bắt đầu thí điểm ứng dụng gọi xe bằng phần mềm trên smartphone. Trong tháng này, sau khi lắp đặt xong thiết bị cho hơn 3.000 xe toàn miền Bắc, hệ thống sẽ vận hành chính thức.
Theo vị này, ứng dụng chạy được trên tất cả các hệ điều hành. Khách hàng sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về xe, tài xế, giá cả, giờ đón… Khi hành khách có nhu cầu di chuyển, tài xế sẽ chủ động gọi lại để xác nhận thời gian đón tại địa điểm xác nhận. “Dù vẫn đang trong quá trình cài đặt, song một số xe đã được thí điểm tại Hà Nội và hiệu quả ban đầu cho thấy rất tiện lợi cho khách hàng cũng như quản lý hành trình”, ông Chương nói.
Về số tiền đầu tư vị này cho biết phần mềm được thiết kế bởi nhóm kỹ sư trong nước, tương thích với điều kiện của doanh nghiệp cũng như thói quen đi lại của người dân. Do vậy vốn ban đầu khoảng 500.000 USD. Song, theo ông, thời gian tới ứng dụng sẽ phải chỉnh sửa nâng cấp để phù hợp với quy mô hoạt động của tập đoàn, nên khi hoàn chỉnh dự kiến chi phí cho phần mềm khoảng 1,5 triệu USD.
Song song với phương thức tổng đài, các hãng taxi đã đầu tư cho ứng dụng gọi xe để cạnh tranh với Uber, Grab taxi. |
Việc bỏ ra số tiền lớn làm thay đổi thói quen cũng như cách thức quản lý theo lãnh đạo hãng này, không gì ngoài mục đích cạnh tranh với dịch vụ Uber và Grab taxi hiện nay. “Lúc này, chúng tôi đang tính toán để đưa ra chính sách giá cước và các hình thức khuyến mại canh tranh nhất”, ông cho hay.
Thừa nhận đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa taxi truyền thống với ứng dụng công nghệ mới khiến các hãng không thể làm ngơ với các ứng dụng công nghệ, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng – Khúc Hữu Thanh Hải cho biết doanh nghiệp ông có kế hoạch triển khai ứng dụng gọi xe cho hơn 300 taxi vào quý I/2016, song song với tổng đài.
Vị này nhận định các hãng taxi nội địa có lợi thế khi sử dụng công nghệ gọi xe. Bởi, Uber hay Grab taxi chỉ đơn thuần là dịch vụ chứ không phải đơn vị kinh doanh. Do đó, chiến lược cũng khác, chủ yếu nhận phần chiết khấu trên doanh thu của đơn vị nhượng quyền. Trong khi các hãng truyền thống đã có thương hiệu, một khi có đầu tư bài bản về công nghệ sẽ chủ động được phương tiện, nhân lực cũng như doanh thu.
“Doanh nghiệp rất hiểu nếu không linh hoạt thì sẽ tụt hậu. Tuy nhiên, do thói quen của hàng khách nên kể cả sử dụng hình thức mới thì không dễ gì các hãng bỏ ngay được phương thức truyền thống-là tổng đài. Do đó, làm thế nào để kết nối với cả những khách hàng không sử dụng smart phone nhưng vẫn chủ động gọi được xe là điều mà vị này đang tính đến”, ông nói.
Về thời điểm, ông Hải cho rằng lúc này, vẫn không quá muộn để các hãng taxi nội địa đầu tư cho ứng dụng. Thực tế, kinh doanh phải theo thị hiếu người tiêu dùng, có làm sớm hơn, trước khi Uber hay Grab taxi vào Việt Nam thì chưa chắc thành công. Bởi không hẳn khách hàng nào cũng có tiền để mua smartphone. “Sớm hay muộn thì thời điểm không nói lên điều gì. Ngay cả lúc này kể cả hãng có đầu tư vốn lớn song tôi không dám khẳng định sẽ thành công. Quan trọng nhất phải hiểu người tiêu dùng cần gì ở dịch vụ mới mẻ này”, ông bày tỏ.
Chỉ hoạt động tại địa bàn Quảng Ninh, song ông Đoàn Thế Xuyên – Giám đốc Công ty CP vận tải Phúc Xuyên cũng khá háo hức với việc ứng dụng gọi xe. “Tại các địa phương Uber hay Grab taxi vẫn là những cái tên mới mẻ, nhưng không phải vì thế mà doanh nghiệp không quan tâm. Hiện doanh nghiệp cũng đang bắt đầu tìm hiểu để có thể áp dụng trong điều kiện có thể”, ông Xuyên chia sẻ.
Theo vị này, vốn đầu tư dù quan trọng song không phải là tiên quyết trong lĩnh vực vận tải. Trước sức ép ngày càng lớn của các dịch vụ mới, các hãng vận tải nội địa tự hiểu không thể đứng ngoài cuộc mà phải biết chớp thời cơ, nếu không sẽ tự đánh mất thị phần. Ngoài ra, vị này cũng cho rằng hỗ trợ từ công nghệ chắc chắn giúp doanh nghiệp tăng doanh số, nhờ đó, giá cước cho người dùng cũng sẽ cạnh tranh hơn.
Trước đó, hồi tháng 5, Tập đoàn Vinasun (TP HCM) đã thử nghiệm ứng dụng gọi xe taxi – Vinasun App chạy được trên tất cả các hệ điều hành tại một số tỉnh phía Nam. Khi đó, lãnh đạo tập đoàn cho biết phần mềm đủ khả năng cạnh tranh, thậm chí còn tốt hơn Uber vì ứng dụng đơn giản cho mọi tầng lớp, ngay cả những người không có điện thoại thông minh. Cụ thể, khách hàng không có smartphone sẽ gọi đến tổng đài, bộ phận trực này sẽ kết nối với App rồi chuyển lại thông tin chi tiết cần thiết qua tin nhắn cho khách hàng.
Thành Tâm