Một số website thương mại điện tử mô hình B2C (giao dịch trực tuyến giữa nhà cung cấp với khách hàng) có tên tuổi như Beyeu, 4eva, Deca và một số trang khác thời gian qua đã lần lượt đóng cửa, dù người quản lý và nhà đầu tư đã “tận tình cứu chữa” bằng cách chi tiền quảng cáo. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến những “cái chết yểu” này.
Thị trường thương mại điện tử ngày càng cạnh tranh khốc liệt. |
Mô hình kinh doanh thiếu sự khác biệt
Một số mô hình kinh doanh dựa trên những lập trình sẵn có, bao gồm tạo một website; tìm nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa và thảo luận “ăn phần trăm”; tuyển nhân viên kinh doanh phát triển hợp đồng với các nhà cung cấp; chụp ảnh, viết nội dung giới thiệu sản phẩm và làm marketing online.
Giả định rằng những trang này sẽ thu hút được khách và tiền bàn hàng bù được chi phí hoặc sinh lời dựa vào quy mô thị trường lớn đến hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày ngày. Nhưng tiếc rằng điều đơn giản đó cũng không xảy ra. Bản chất của những mô hình này chỉ là “mô hình bán nước bọt trực tuyến”, không có giá trị riêng cho khách hàng, càng không có lợi thế về quy mô, không sản xuất được hàng hóa, chủ động được nguồn hàng giá tốt, mô hình quá đơn giản.
Những mô hình kinh doanh “không có khác biệt”, “không có tính mới” là nguyên nhân dẫn tới việc một số trang thương mại điện tử phải đóng cửa sớm.
Sai lầm từ chiến lược
Hầu hết những cái tên chết yểu trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay đều có chung chủ đầu tư và đơn vị chủ quản cũng từng ít nhiều thành công với một số dịch vụ thương mại điện tử khác, như Deca – dự án kinh doanh của 24h; Beyeu, 4eva có liên quan đến webtretho.
Họ có lý do để theo đuổi chiến lược kinh doanh mà trong sách Binh pháp Tôn tử gọi là “thuận tay dắt bò”, tức là cùng chung tập khách hàng và công nghệ sẵn có, có kênh truyền thông chính là những website đang phát triển. Nhưng tiếc rằng người tiêu dùng hiện nay ngày càng thông thái. Chính vì thế, sau một thời gian “thuận tay dắt bò”, chủ đầu tư ngoảnh lại nhìn thì chỉ còn thấy dây thừng.
Cạnh tranh khốc liệt
Số lượng người bán hàng trên Facebook tại Việt Nam là rất lớn, dù không thống kê được nhưng dễ dàng nhìn thấy thông qua các tin rao vặt, quảng cáo tràn ngập. Mạng xã hội này cũng thống kê tại Việt Nam có trung bình khoảng hơn 300.000 fanpage đang hoạt động, với số tiền để những cá nhân chi cho quảng cáo không hề nhỏ.
Một số ông lớn thời kỳ cao điểm có thể chi khoảng 100 triệu đồng cho quảng cáo và bán được khoảng 2.500 – 3.000 đơn hàng. Những cá nhân nhỏ thì cũng chi quảng cáo từ vài triệu đến vài chục triệu trong một giai đoạn. Đội ngũ những người bán hàng trên mạng cũng đông đảo, tạo ra một thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Từ đó, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn do sự minh bạch hơn về thông tin của nhiều người bán và hàng hóa, nên đã đưa ra các quyết định có lợi cho họ.
Thương mại điện tử là cuộc chơi về tài chính dài hạn
Nếu chủ đầu tư chỉ có vài tỷ, hoặc dưới một triệu đôla Mỹ thì sẽ là điều không dễ dàng để dự án thành công. Hãy thận trọng, nếu như bạn ít tiền và muốn theo đuổi mô hình bán hàng trực tuyến B2C.
Thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay, có lẽ cần rất nhiều tiền, và tầm nhìn dài hạn, chứ không phải là ngắn hạn. Cùng với đó, các dự án cần những mô hình và ý tưởng kinh doanh đột phá, mang tính cách mạng, chứ không đơn thuần chỉ là “nhập hàng, chạy quảng cáo”.
Amazon thành công với việc bán sách cứng trên mạng khi người ta chưa bán. Khi nhiều người bán sách cứng trên mạng, Amazon đã bán sách mềm và bán tất cả mọi thứ. Họ có lợi thế nhờ kho hàng và vận chuyển chuyên nghiệp, thông minh, lợi thế giá rẻ vì quy mô thị trường lớn, công nghệ hiện đại. Amazon mất hơn 7 năm và chi ra rất nhiều tỷ đôla Mỹ thì năm thứ 8 mới bắt đầu đạt điểm hòa vốn và có lời.
Dù gây nhiều tranh cãi, nhưng Uber là dự án thương mại điện tử được các nhà đầu tư thế giới kỳ vọng nhiều nhất năm 2015, với mức tăng trưởng vốn đầu tư và định giá giá trị mô hình kinh doanh vượt qua 60 tỷ đôla Mỹ. Họ đã dùng công nghệ để giải quyết “vấn đề xã hội, số lớn người dùng, ai ai cũng cần, ngày nào cũng có”…
Bị cạnh tranh bởi bán lẻ truyền thống
Bạn đừng nghĩ rằng ở Việt Nam sẽ sớm thương mại điện tử hóa hoàn toàn, dù xu hướng cực kỳ mạnh mẽ và rõ rệt. Các nhà bán lẻ truyền thống cũng đang tìm mọi cách để bảo vệ thị phần và tăng trưởng doanh số bán hàng tại thị trường mục tiêu.
Bán lẻ truyền thống có xu hướng “hội tụ hóa”, “hội nhập” nên thường có quy mô và diện tích khổng lồ, đáp ứng nhiều yêu cầu về hàng hóa với giá tốt. Họ cũng là những đại gia sau hàng thập kỷ tích lũy kinh nghiệm và tích lũy tư bản, với sức mạnh về tài chính, kinh nghiệm và thị phần. Các mô hình thương mại điện tử B2C nhỏ không dễ dàng gì chiếm được miếng bánh thị phần của các ông lớn bán lẻ..
Hàng xách tay phổ biến hơn
Mô hình bán lẻ C2C (cá nhân bán hàng trực tuyến cho cá nhân) cũng đang phát triển siêu nhanh. Các khách hàng có nhiều sự lựa chọn, thoải mái trả giá, xem hàng, kiểm tra mã vạch, vận chuyển hàng… Một khách hàng có thể mua bàn chải, kem đánh răng, dầu gội đầu, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm… thông qua đường xách tay.
Một thị trường tự do hoàn hảo và dễ dàng, bởi các nhà bán lẻ trực tuyến quốc tế cũng rất quan tâm đến đơn hàng này, doanh thu đến từ bộ phận này cũng không nhỏ.
Ngoài ra, còn nhiều lý do dẫn tới sự “chết yểu” của một số trang thương mại điện tử thời gian qua, nhưng với 6 lý do cơ bản trên, điều mọi người cần hiểu là sự ra đi của một bộ phận là “hoàn toàn bình thường và dễ hiểu”. Đừng lo lắng, đừng hoang mang vì điều đó!
Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh
Chuyên gia E-Marketing