Tái cơ cấu kinh tế chậm, không rõ trách nhiệm thuộc về ai

Thay mặt đoàn giám sát, báo cáo trước thường vụ Quốc hội sáng 1/10 về kết quả của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2013, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết các cân đối lớn của nền kinh tế đạt được một số kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng được duy trì, tỷ trọng các ngành nông nghiệp giảm xuống trong khi công nghiệp dịch vụ tăng lên, giá tiêu dùng được giữ ở mức thấp. Cán cân thương mại cũng được cải thiện đáng kể khi xuất siêu năm 2012 đạt 780 triệu USD và lên 1,7 tỷ USD sau tám tháng đầu năm 2014…

Tuy vậy, đoàn giám sát nhìn nhận quá trình này vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt được theo chỉ tiêu Quốc hội (khoảng 5,8% so với kế hoạch đề ra từ 6,5-7%), bội chi ngân sách vẫn còn ở mức cao, nợ công so với GDP tiếp tục tăng , thị trường vốn chưa phát triển.

Cả 3 khâu trọng yếu của tái cơ cấu là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng kết quả chưa như mong đợi. Đầu tư công chưa thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài để sinh lời. Nhiều dự án phải đình hoãn cắt giảm do khó khăn trong cân đối. Nhiều bộ ngành, địa phương vẫn ứng vốn vượt kế hoạch, chấp hành các nguyên tắc phân bổ vốn ở nhiều nơi chưa nghiêm túc.

co-phan-hoa-3269-1408766860-6439-1412154

Tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước chưa được như mong đợi. Ảnh: Báo Hải Quan

Trong khi khu vực doanh nghiệp Nhà nước tái cơ cấu vẫn còn chậm, việc thoái vốn còn thấp, quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều đổi mới. Chức năng chủ sở hữu và quản lý nhà nước khá chồng chéo.

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được xử lý. Công ty mua bán nợ VAMC còn nhiều vướng mắc về pháp lý để đẩy nhanh và có hiệu quả việc bán nợ. Nợ xấu từ đầu năm 2014 tiếp tục có xu hướng tăng lên. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng diễn biến phức tạp tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống.

Thảo luận về những yếu kém của công việc này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ hạn chế lớn nhất của tái cơ cấu đầu tư công là chưa hiệu quả, chất lượng công trình còn nhiều vấn đề, đầu tư nhà máy, công nghiệp phụ trợ không có nên phải đi mua, nhập khẩu. “Nhập siêu dù được giải quyết tương đối tốt nhưng có phải do tái cơ cấu không hay do kinh tế suy giảm, do doanh nghiệp sụp đổ không làm ăn được”, Chủ tịch Quốc hội hoài nghi.

“Đặc biệt nguy cơ nợ công, nợ xấu vẫn cao, đang đe dọa an ninh an toàn; tốc độ nợ công tăng nhanh, bội chi lớn đi theo đó là khả năng trả nợ rất đáng lo, đã phải vay để trả nợ, đảo nợ”, ông Hùng lo lắng.

Nói về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thứ trưởng bộ Tài chính Trần Văn Hiếu tỏ ra lạc quan khi nói quá trình này đã đi nhanh hơn, với việc số vốn thoái cả năm sẽ đạt 7.000 tỷ, cao gấp 8 lần năm 2013 hoặc con số doanh nghiệp cổ phần hóa tăng mạnh và mục tiêu 432 doanh nghiệp trong năm tới là khả thi. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng vấn đề tắc nhất là vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền của người đại diện vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, mối quan hệ với bộ chủ quản thế nào.

Đoàn giám sát đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến những hạn chế nói trên đồng thời kiến nghị cả chục giải pháp như tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư, nâng cao chất lượng quy hoach…

Tuy nhiên, điều khiến nhiều ủy viên thường vụ Quốc hội chưa hài lòng là báo cáo giám sát chưa chỉ rõ nguyên nhiên đến từ trách nhiệm của các cơ quan xây dựng và thực hiện đề án. Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng một nguyên nhân lớn dẫn đến kết quả nêu trên là do triển khai không kiên quyết, rõ ràng. Ví dụ như Quốc hội có nghị quyết về tái cơ cấu từ năm 2011 nhưng phải 2 năm sau đó Chính phủ mới có đề án, song đề án cụ thể thì chưa. “Thế nhưng báo cáo giám sát rất ngại nói về trách nhiệm. Câu nặng nhất cũng là “chưa thể hiện quyết tâm cao”, ông Lý gay gắt.

Tự nhận không phải là chuyên gia kinh tế nhưng với kinh nghiệm của người từng làm hàng trăm báo cáo giám sát, Phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận định thiếu sót của báo cáo này là việc không đề cập đến trách nhiệm từng cấp một. Ông Quyền cho rằng, tái cơ cấu gắn liền với đổi mới mô hình liên quan đến toàn bộ thể chế. Nên giám sát phải chỉ ra được thể chế trong 3 năm qua là Quốc hội, Chính phủ hay địa phương đã ban hành được nhưng không phù hợp, không đi vào thực tế và tại sao. “Ví dụ với với việc thí điểm Tập đoàn kinh tế, bao nhiêu năm nay rồi mà mới dừng lại ở quyết định của Thủ tướng. Bao nhiêu bấp cập vậy mà hành lang pháp lý vẫn chỉ là thí điểm, trong khi đây là xương sống của doanh nghiệp Nhà nước”, ông Quyền dẫn chứng.

“Ít nhất phải chỉ ra được trách nhiệm của cấp nào, ngành nào trong triển khai đề án tái cơ cấu chậm. Chậm do ban hành chính sách hay chưa chính xác, hoặc thực hiện rồi nhưng chưa kiểm tra, hay kiểm tra nhưng không có kết quả”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý đoàn giám sát cập nhật trước khi báo cáo đại biểu Quốc hội tại kỳ họp khai mạc cuối tháng này.

Chí Hiếu

0913.756.339