Thông tin trên được ông Lại Văn Đạo – Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết tại lễ kỷ niệm 10 thành lập, diễn ra đầu tuần này.
Trong một thập kỷ, doanh nghiệp này đã tiến hành thoái vốn Nhà nước khỏi các lĩnh vực không cần nắm giữ, thu lãi hơn 5.360 tỷ đồng. Danh mục vốn tiếp nhận và đầu tư hiện tại còn 230 khoản, tính theo giá trị trường đạt gần 78.000 tỷ đồng, gấp hơn 4,7 lần giá sổ sách. Quá trình bán vốn cũng mang lại cho SCIC hơn 9.200 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,4 lần số tiền đã bỏ ra ban đầu.
“Qua quá trình 10 năm triển khai thoái vốn, bình quân vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong danh mục của SCIC giảm từ 36% khi tiếp nhận xuống còn 22% hiện nay”, ông Đạo thông tin.
SCIC mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính lớn trong khu vực với quy mô tài sản 46 tỷ USD vào 2030. |
Ngoài chức năng kinh doanh và đầu tư, SCIC còn đóng vai trò là người đại diện vốn Nhà nước. Đến nay, tổng công ty đã tiếp nhận quyền đại diện vốn tại gần 1.000 doanh nghiệp với trị giá hơn 8.700 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân khoảng 15-17%. Một số đơn vị có ROE bình quân trên 30%. Tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước từ các công ty này đến nay đạt hơn 21.000 tỷ đồng.
Theo quyết định của Thủ tướng, giai đoạn 2015-2016, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.
Từ quá trình trên, các chỉ tiêu tài chính của SCIC cũng tăng mạnh. Doanh thu tăng 65,4 lần, từ 145 tỷ đồng năm 2006 ước tăng lên 9.472 tỷ đồng năm 2015, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 61,5 lần từ 111 tỷ lên 6.798 tỷ đồng năm 2015. nộp ngân sách nhà nước tăng 41 lần so với đầu năm thành lập.
“SCIC đã đạt được thành tích tăng trưởng ấn tượng”, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT nhận định sau khi ví tăng trưởng của SCIC với con số tăng 3,4 lần của GDP cả nước trong 10 năm.
Trong giai đoạn tới, SCIC đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ trong và ngoài nước, tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô tổng tài sản đạt 22,5 tỷ USD vào năm 2020, tương ứng mức tăng bình quân 40% một năm trong giai đoạn 5 năm tới.
Đến năm 2030, tổng công ty sẽ trở thành tập đoàn tài chính quy mô lớn trong khu vực, là công cụ để Nhà nước đầu tư, nắm giữ chi phối tại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng với tổng tài sản tăng bình quân hơn 7% một năm giai đoạn 2021 – 2030, đến năm 2030 đạt khoảng 46 tỷ USD.
“Để đạt được mục tiêu chiến lược nêu trên, SCIC cần đẩy nhanh việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các loại hình doanh nghiệp thuộc diện bàn giao cho tổng công ty, đầu tư vào các dự án doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ chi phối, cũng như hoàn tiện thể chế tăng cường năng lực, quant trị của công ty”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu – Chủ tịch tổng công ty cho biết.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của doanh nghiệp trong thời gian tới là hoàn thành trình Chính phủ chiến lược đầu tư – kinh doanh giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến 2030, thực hiện tiếp nhận quyền đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, mở rộng đầu tư tài chính… “SCIC cần phát triển thành tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô lớn trong khu vực”, ông nói
Phương Linh