Rolls-Royce – khi động cơ trục trặc

Doanh thu của hãng giảm lần đầu tiên trong 10 năm qua xuống 14,6 tỷ bảng. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm 8% xuống còn 1,6 tỷ bảng (2,5 tỷ USD).

Theo lãnh đạo công ty, tình hình năm 2015 cũng không khả quan hơn. Trong bối cảnh nền công nghiệp hàng không dân dụng bùng nổ chưa từng thấy, câu hỏi đặt ra là Rolls-Royce đã sai ở điểm nào?

Theo Economist, việc này không hề bất ngờ. Năm ngoái, Rolls-Royce đã 2 lần ra cảnh báo lợi nhuận, sa thải 2.600 nhân viên, mất giám đốc tài chính và giá cổ phiếu giảm một phần ba. Một số nhà phân tích tại ngân hàng Investec thậm chí còn khuyên công ty này bán hoặc tách riêng những mảng kinh doanh kém hiệu quả để duy trì vị thế hãng động cơ máy bay lớn nhì thế giới. Những mảng này gồm động cơ tàu thủy, mảng phục vụ quân đội, cũng như những hệ thống cung cấp nhiên liệu cho ngành công nghiệp tàu thủy và năng lượng.

rolls-royce-8663-1424942202.jpg

Nhân viên Rolls-Royce đang làm việc trong một nhà máy ở Dahlewitz (Đức). Ảnh: Bloomberg

Rolls-Royce là nạn nhân của thời thế và cũng là của chính sự thành công trong quá khứ. Các nhà đầu tư lẽ ra nên đoán được chi tiêu quốc phòng giảm sẽ gây ảnh hưởng tới mảng kinh doanh hàng không quân sự năm ngoái. Và đồng bảng mạnh lên cũng không giúp được gì, khi giá dầu giảm là cú sốc với mảng kinh doanh năng lượng của Rolls-Royce, đặc biệt là ở mảng phục vụ các hãng khai thác dầu khí ngoài khơi. Tình hình cũng sẽ không khởi sắc hơn trong năm 2015. Bên cạnh đó, việc theo kịp nhu cầu động cơ cho máy bay đường dài cũng gây ra nhiều vấn đề.

Các đơn đặt hàng máy bay chở khách thân rộng tăng lên đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải tăng sản xuất gấp đôi, từ công suất 300 động cơ một năm hiện nay. Rolls-Royce đang mở rộng trên toàn cầu, xây thêm nhà máy mới tại Mỹ và gần đây là Singapore. Năm ngoái, nhà máy tại Singapore sản xuất được 40 động cơ. Nhưng với mục tiêu tăng sản lượng lên 200 chiếc mỗi năm, quá trình này sẽ khá khó khăn và tốn kém.

Liệu Rolls-Royce có đúng khi tiếp tục đa dạng hóa kinh doanh thay vì tập trung vào mảng động cơ máy bay vốn đóng góp một nửa doanh thu? Năm ngoái, công ty đã không thành công trong thương vụ mua lại hãng động cơ tàu thủy Phần Lan – Wartsila. Nhưng dù vậy, đa dạng hóa vẫn có vẻ là chiến lược hợp lý, kể cả khi hàng không dân dụng ngày càng bùng nổ. Rolls-Royce từng cho biết việc Boeing chậm giao 787 Dreamliner cũng là một phần nguyên nhân các vấn đề của mình.

Dù vậy, Economist cho rằng hãng vẫn cần chú trọng vào mảng hàng không dân dụng. Tuy cung cấp tới một nửa số động cơ máy bay thân rộng trên thế giới, Rolls-Royce lại bỏ qua thị trường máy bay thân hẹp có quy mô lớn hơn, sau khi bỏ cơ hội liên doanh với Pratt & Whitney – hãng sản xuất máy bay Mỹ. Năm 2025, dòng động cơ mới cho thế hệ máy bay chặng ngắn tiếp theo sẽ rất cần thiết. Rolls-Royce sẽ không thể phân phối sức cho quá nhiều mảng kinh doanh và có thể bỏ lỡ cơ hội. Điều này sẽ rất nhanh chóng đẩy họ xuống đáy vực.

Thanh Tuyền

0913.756.339