Quy hoạch phát triển dược liệu

Huyện Hải Hậu là địa phương có truyền thống sản xuất dược liệu. Những năm gần đây, ngành dược liệu ngày càng được quan tâm nên cây dược liệu của Hải Hậu ngày càng phát triển. Năm 2014, diện tích đất trồng dược liệu của huyện đạt trên 647ha, tập trung vào các loại cây: đinh lăng, bạc hà, hoa hòe, dây thìa canh. Trong đó, 15ha được sản xuất ổn định trên quy trình sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

Dưới sự hỗ trợ của dự án Thương mại Sinh học tại Việt Nam, huyện đã thành lập được 2 tổ hợp tác sản xuất dược liệu hoạt động ổn định cung cấp sản phẩm dược liệu đinh lăng và dây thìa canh chất lượng cao theo tiêu chuẩn GACP – WHO cho thị trường. Để phát triển dược liệu bền vững trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, Ủy ban nhân dân huyện Hải Hậu phối hợp với Tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Việt Nam xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu huyện Hải Hậu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong khuôn khổ dự án “Phát triển các hoạt động Thương mại Sinh học trong lĩnh vực nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam” (Dự án Thương mại Sinh học – Bio Trade).

Hội thảo công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu huyện Hải Hậu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” có gần 200 đại biểu đại diện của các cơ quan như Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học (Bộ Tài nguyên Môi trường), Cục Quản lý Y dược học cổ truyền (Bộ Y Tế) và các cơ quan địa phương tham gia: Trung tâm khuyến nông tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hội Đông y An Giang, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông tỉnh Nam Định; các phòng ban thuộc Ủy ban nhân dân huyện; đại diện các xã vùng quy hoạch; các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu: Traphaco, DHG, OPC, DOMESCO, Nam Dược, Dược Thanh Hóa, Kon Tum, Bình Định, Đà Nẵng, Nam Hà…Một số đơn vị nghiên cứu cây thuốc: Viện Dược liệu (Bộ Y Tế), Trung tâm nghiên cứu cây thuốc Hà Nội, Sapa, Tam Đảo cũng có mặt tại hội thảo.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe trình bày về nội dung quy hoạch gồm 2 giai đoạn. Việc quy hoạch diện tích trồng dược liệu giai đoạn 1 diễn ra từ 2015 đến 2020 nhằm phát triển 647,59ha đất trồng dược liệu, trong đó có 323,8ha đất trồng dược liệu chất lượng cao theo GACP-WHO. Giai đoạn 2 (từ 2020 đến 2030) phát triển 786,28ha đất trồng dược liệu, trong đó 323,8ha đất trồng dược liệu chất lượng cao theo tiêu chuẩn GACP-WHO; quy hoạch vùng trồng dược liệu cho 31 xã, phát triển 20 loại cây dược liệu chính gồm 8 loại cây nhập nội, 12 loại cây bản địa và phát triển các loại cây dược liệu đã phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng.

Các cơ sở sản xuất giống được quy hoạch theo các hình thức: mô hình doanh nghiệp sản xuất giống, mô hình sản xuất giống cộng đồng, mô hình sản xuất giống cá thể. Chương trình còn quy hoạch cơ sở sơ chế, chế biến. Sau khi công bố quy hoạch phát triển dược liệu, Ủy ban nhân dân huyện Hải Hậu đã giới thiệu Quyết định số 06/UBND ngày 7/1/2015 về phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu trên địa bàn huyện Hải Hậu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, những nội dung cơ bản của đề án quy hoạch cùng với các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu trên địa bàn huyện đã được các đại biểu đánh giá cao.

Với sự hỗ trợ của tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Việt Nam, huyện Hải Hậu đã trở thành đơn vị triển khai sớm quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển dược liệu cả nước, trở thành mô hình mẫu cho các địa phương khác học hỏi cùng hướng tới sự phát triển ngành dược liệu Việt Nam ổn định và bền vững.

(Nguồn: Dự án Bio Trade)

0913.756.339