Quốc hội biết nội dung TPP khi việc đã rồi

Ý kiến từ đoàn Đà Nẵng cũng phản ánh tâm trạng của nhiều đại biểu khác khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) chiều 5/11.

Dẫn trường hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi khá thời sự rằng nếu Quốc hội không thông qua, tương lai của hiệp định này với Việt Nam sẽ ra sao. Là một chuyên gia pháp lý, song vị trưởng đoàn này cũng thừa nhận chưa có câu trả lời cho tình huống này.

quoc-hoi-biet-noi-dung-tpp-khi-viec-da-roi

Đại biểu Huỳnh Nghĩa băn khoăn về vai trò của Quốc hội trong quá trình đàm phán TPP.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) thừa nhận ông và nhiều vị khác không biết gì về TPP cho đến khi nghe Thứ trưởng Công Thương trả lời trên truyền hình sau khi kết thúc đàm phán.

Ông Hồng cho biết đến giờ này, kênh duy nhất để ông tìm hiểu thông tin là qua báo chí, song mỗi mỗi tờ nói một kiểu khác nhau về các thuận lợi, khó khăn của người nông dân nên “không biết tin ai”.

“Đi tiếp xúc cử tri, dân hỏi sẽ lợi gì mình cũng chịu”, ông Hồng băn khoăn và đề nghị “Chính phủ cần có báo với Quốc hội việc ký kết thế nào, tổ chức thực hiện ra sao và tới đây còn tham gia những hiệp định nào khác để về trả lời cử tri”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông thì lo ngại nhất là năng lực xây dựng các hàng rào kỹ thuật của cơ quan quản lý khi tham gia hội nhập. “Mấu chốt trong chiến lược của các quốc gia không còn là hàng rào thuế quan, mà là hàng rào kỹ thuật. Đây là điều Việt Nam vô cùng yếu”, ông nhấn mạnh.

Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa ví dụ, mặt hàng thép nhiều nguy cơ thua thiệt khi giá thành cao hơn hàng ngoại, trong khi Bộ Công Thương lại chưa có hàng rào về quy định độ cứng, độ giòn, chất lượng ra sao mới được nhập vào Việt Nam. “Tương tự, công cụ phòng vệ thương mại được nhiều nước áp dụng là kiện chống bán phá giá nhưng doanh nghiệp nội rất yếu về năng lực chứng minh nước ngoài làm việc này”, ông Thông dẫn chứng thêm.

Tâm đắc với nhận định này, Phó chủ tịch Quốc hội – Uông Chu Lưu bổ sung: “Cuối năm nay, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực, nhiều người nói ta có lợi thế về lao động nhưng người Thái với một thao tác nhỏ, dựng hàng rào là lao động vào nước này phải biết tiếng Thái. Thế là ta thua !”.

quoc-hoi-biet-noi-dung-tpp-khi-viec-da-roi-1

Ông Thân Đức Nam đề xuất vay nợ phải có ý kiến từ cơ quan quản lý nợ công của Quốc hội.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Mai Xuân Hùng và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Thân Đức Nam lại băn khoăn về vấn đề Quốc hội tham gia quản lý nợ.

Ông Nam cho rằng, dù luật này quy định việc đàm phán, ký kết các điều ước về vay nợ đươc thực hiện theo Luật Quản lý nợ công, nhưng do tầm quan trọng của việc vay nợ nước ngoài nên luật này cần quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ để đảm bảo vay mượn được minh bạch.

“Nếu dự thảo này được thông qua trong khi Luật Quản lý nợ công không sửa thì toàn bộ quy đình đàm phán ODA không có luật nào điều chỉnh. Trong bối cảnh nợ nần căng thế này mà như vậy thì nguy”, ông Mai Xuân Hùng lo ngại.

“Với các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á hay các định chế tài chính liên Chính phủ thì bên đề xuất vay cần lấy ý kiến cơ quan quản lý nợ công của Quốc hội. Bên cạnh đó, phải có đánh giá tác động, khả năng trả nợ khoản vay đó tại một tổ chức tài chính độc lập, hoặc Kiểm toán Nhà nước vì liên quan đến nợ công”, ông Thân Đức Nam đề xuất.

Chí Hiếu

0913.756.339