Phó thủ tướng: 10 năm hội nhập, Việt Nam tham gia 10 FTA

Chuẩn bị cơ hội và đối phó với thách thức khi hội nhập kinh tế là câu chuyện được nhiều đại biểu băn khoăn khi chất vấn Phó thủ tướng – Hoàng Trung Hải cũng như lãnh đạo ngành Công Thương chiều 17/11. Theo Phó thủ tướng, kể từ khi hội nhập kinh tế quốc tế (gia nhập WTO giai đoạn 2006-2007), Việt Nam hiện đã là thành viên của 10 hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo lộ trình đến năm 2015, nền kinh tế cũng sẽ là đối tác của 10 FTA nữa.

Thực tế này khiến đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng) thắc mắc về quá trình chuẩn bị cho việc tham gia các sân chơi lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng ASEAN (AEC). Băn khoăn này được Phó thủ tướng trấn an rằng với kinh nghiệm gần 10 năm vào WTO, Việt Nam đã có sự chủ động, sẵn sàng hội nhập.

pho-thu-tuong-10-nam-hoi-nhap-viet-nam-tham-gia-10-fta

Phó thủ tướng nhận định Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt trước các FTA. Ảnh: Q.D.

“Mỗi lần vậy, người dân, doanh nghiệp đều được thông tin. Trung ương đều có chỉ đạo, Chính phủ, các bộ thì họp bàn và có chương trình hành động. Khi đàm phán, các bộ cũng đều trao đổi với doanh nghiệp, hiệp hội để có đánh giá tác động được và không thuận để có giải pháp”, ông Hải nói.

Theo Phó thủ tướng, nhiệm vụ lớn nhất của Chính phủ là tạo ra lộ trình thích hợp với các ngành hàng có thách thức lớn để có thời gian cho doanh nghiệp, ngành hàng chuẩn bị, có giải pháp phù hợp. “Qua kinh nghiệm 9 năm, từ ngày tham gia WTO, qua nhiều hiệp định, các bộ, địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch đều có lồng ghép nội dung hội nhập”, Phó thủ tướng nói thêm.

Ông Hải dẫn chứng, công việc đầu tiên để hội nhập là cơ quan quyền lực cao nhất ban hành, sửa đổi các văn bản luật cho hài hòa với các cam kết quốc tế. Từ đó Chính phủ, các bộ… trước khi ban hành nghị định, thông tư đều tổ chức hội thảo, lấy ý kiến cộng ngành doanh nghiệp để có giải pháp thiết thực. “Ví dụ trong quá trình chuẩn bị tham gia AEC cuối năm nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chuẩn bị các điều kiện ở mức cao nhất, trên 90%”, Phó thủ tướng ví dụ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ thừa nhận, việc chủ động lên các kịch bản ứng phó ở dưới thì không phải doanh nghiệp nào cũng có nhận thức, hành động đúng mức. “Tôi công nhận không phải tất cả doanh nghiệp đều làm. Nhiều ngành hàng không liên quan hội nhập nên có thể họ chủ quan hơn. Điểm yếu này Chính phủ, các bộ sẽ cùng doanh nghiệp xây dựng giải pháp”, Phó thủ tướng nói.

Đại diện Chính phủ đánh giá khả năng ứng phó tác động bên ngoài của Việt Nam bước đầu chấp nhận được, nhưng sức ép cạnh tranh ngày càng lớn khiến cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều phải có giải pháp để duy trì những lợi thế cạnh tranh, vốn không thể tồn tại mãi.

Đối với các mặt hàng yếu, chịu thiệt thòi hơn khi mở cửa, như nông nghiệp, Chính phủ cam kết sẽ có giải pháp hỗ trợ và dành nhiều quan tâm. “Như việc tái cơ cấu nông nghiệp chính là để tìm ra ngành hàng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh”, ông nói.

Chí Hiếu

0913.756.339