Phó chủ tịch Quốc hội lo con cháu oán giận nếu phát hành trái phiếu quốc tế

Phát biểu tại cuộc họp tổ của đoàn Đà Nẵng cùng 3 địa phương khác, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ ông “không hẳn là không đồng ý” với đề xuất của Chính phủ, song cho rằng cần cân nhắc kỹ. 

“Bài học phát hành trái phiếu quốc tế hàng trăm triệu USD rồi cho Vinashin dùng vẫn còn đó, nên tôi đề nghị cần phải thận trọng”, ông nói.

pho-chu-tich-quoc-hoi-lo-con-chau-oan-gian-neu-phat-hanh-trai-phieu-quoc-te

Ông Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý cần thận trọng với kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế. Ảnh: Giang Huy

Khát vốn đầu tư khi bung ra phát triển ở cả những lĩnh vực không phải cốt lõi, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin – nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy SBIC) đã phát hành 400 triệu USD trái phiếu quốc tế vào năm 2008-2009. Ngay sau đó, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới cùng với những tắc trách trong quản lý kinh tế đã khiến tập đoàn suy sụp, nhiều dự án đình trệ, tiền vay về không thể tự trả nợ và bị các chủ nợ quốc tế dọa kiện. Cuối năm 2013, Chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn phát hành trái phiếu để tái cơ cấu khoản nợ cũ đã lên tới 600 triệu USD

“Nếu phát hành trái phiếu thêm nữa sẽ ẩn chứa rất nhiều rủi ro và sợ rằng con cháu sẽ oán giận. Kỳ hạn 10 năm thì đời con phải trả nợ. Kỳ hạn 30 năm thì đến đời cháu”, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lo lắng khi nhắc lại bài học cũ của Vinashin.

Chia sẻ mối lo này, đại biểu Nguyễn Kim Thúy cũng cho rằng việc Chính phủ lý giải phát hành thêm trái phiếu để đáo hạn, chứ không phải đầu tư là điều khiến bà băn khoăn nhất. “Trước đây, nợ công có 47-48% chúng ta cũng nói gần tới ngưỡng an toàn. Sau đó 54% cũng lại là sát ngưỡng, giờ lên 63% thì ngưỡng lại là 65%. Tôi cho rằng không nên quan trọng về con số mà cái chính là khả năng trả nợ”, bà lưu ý.

Nhìn từ góc độ chi tiêu của một gia đình, bà Thúy nói thêm rằng nếu vay nợ để sản xuất, sinh lãi thì không sao. Ngược lại, nếu vay chỉ để mua sắm “cho bằng bạn bằng bè” thì lại là vấn đề khác.

Tại đoàn TP HCM, đại biểu, đồng thời là chuyên gia kinh tế – Trần Du Lịch lại bày tỏ quan điểm ủng hộ kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu nêu trên. “Việc này sẽ không làm mất cân đối nguồn ngoại tệ, lại tăng thời hạn trả nợ mà không làm gia tăng nợ quốc gia”, ông Lịch phân tích.

Tuy vậy, với đề xuất bổ sung 40.000 tỷ thu từ bán cổ phần doanh nghiệp vào ngân sách, chuyên gia này lại nêu ý kiến phản đối. “Nếu cứ hòa vào ngân sách thì sẽ hết, rất khó kiểm soát. Chính phủ cần có một danh mục cụ thể đầu tư cho phát triển như thế nào? Cái gì dùng bao nhiêu tiền?… Chứ không gộp chung chung rồi hòa cả làng”, ông nói.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Thân Đức Nam cũng đánh giá cao động thái bán vốn tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ vừa đưa ra. Tuy nhiên, ông kiến nghị cơ quan điều hành cần xây dựng một danh mục cụ thể, chứ không thể nói chung chung dùng tiền bán vốn đề đầu tư phát triển. “Ví dụ sẽ làm bệnh viện này bao nhiêu tiền, con đường này hết bao nhiêu để Quốc hội xem xét phê duyệt và giám sát”, ông đề xuất.

Trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội (20/10), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Chính phủ đề xuất kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong điều kiện lãi suất trên thị trường thuận lợi để tái cơ cấu nợ. Số liệu của cơ quan quản lý trước đó cho thấy trong 2 năm 2015-2016, Chính phủ có khoảng 16 tỷ USD trái phiếu đến hạn trả, trong khi các nguồn thu không đủ bù đắp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất sử dụng khoảng 40.000 tỷ từ nguồn bán vốn tại doanh nghiệp Nhà nước để bù giảm thu ngân sách trung ương trong 2 năm.

Chí Hiếu

0913.756.339