Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn vừa có văn bản gửi Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Bộ Giao thông vận tải ngỏ ý được làm nhà đầu tư chiến lược của ACV.
“Xét thấy năng lực phù hợp với các tiêu chí mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra, chúng tôi muốn hợp tác dưới tư cách là nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cổ phần tham gia 5% vốn điều lệ của ACV”, văn bản của công ty này đề xuất.
Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, để trở thành cổ đông chiến lược của ACV, nếu nhà đầu tư là một tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng hàng không thì phải quản lý, khai thác tối thiểu 10 sân bay, đồng thời doanh thu tối thiểu đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2014. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2014 không thấp hơn 2 tỷ USD hoặc tương đương.
Còn điều kiện với công ty đầu tư tài chính thì vốn điều lệ cùng thời gian nói trên không ít hơn 5 tỷ USD.
Sân bay Phú Quốc do ACV quản lý là một trong 6 sân bay quốc tế mà công ty của ông Hạnh Nguyễn đang kinh doanh. |
Trong khi đó, tại công văn gửi Bộ Giao thông, Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – Lê Hồng Thủy Tiên cho hay doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại với vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng (khoảng 110 triệu USD).
Tuy nhiên, bà Thủy Tiên cũng cho biết người sáng lập công ty và hiện đang là Chủ tịch – ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không khi là thanh tra tài chính tại Boeing Subcontractor (Mỹ) và Tổng giám đốc khu vực Đông Dương của Philippin Airlines.
Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp cũng giới thiệu Liên Thái Bình Dương đang kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại các sân bay như Manila, Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Đà Nẵng, Cam Ranh. Ngoài ra, công ty hiện còn là đối tác chiến lược của Công ty kinh doanh hàng miễn thuế lớn nhất tại các sân bay quốc tế – DFS và Autogrill.
Doanh nghiệp cho rằng nếu trở thành đối tác chiến lược của ACV, công ty sẽ gắn bó lâu dài cũng như hỗ trợ khai thác cảng hàng không lớn nhất Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Công ty của ông Hạnh Nguyễn là một cái tên không mấy xa lạ với Bộ Giao thông và ngay với chính ACV. Đây là một trong những công ty nội từng đề xuất mua hoặc được quyền khai thác có thời hạn sân bay Phú Quốc ngay sau khi Bộ Giao thông xin Chính phủ thí điểm nhượng quyền càng hàng không mà ACV đang quản lý.
Tháng 9 năm ngoái, ba công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng chi khoảng 310 tỷ đồng để sở hữu 23,6% cổ phần của Công ty dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) – một công ty con của ACV.
Hiện chưa rõ động thái của Bộ Giao thông vận tải và ACV ra sao trước đề xuất làm cổ đông chiến lược từ các nhà đầu tư trong nước, bởi nếu đối chiếu bộ tiêu chí đã được phê duyệt thì tiềm lực tài chính lên đến hàng tỷ USD, rõ ràng là cửa ải mà doanh nghiệp nội gặp trở ngại nhất.
Thực tế là không lâu sau khi có thư ngỏ lời muốn góp 5% vốn điều lệ của ACV, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã phải có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị điều chỉnh các tiêu chí về cổ đông chiến lược mà Bộ Giao thông vận tải ban hành hồi cuối tháng 11.
Theo văn bản này, Chủ tịch BIDV – Trần Bắc Hà “than” rằng quy định đối với các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 5 tỷ USD vô hình chung đã gạt bỏ cơ hội của các tổ chức tài chính trong nước. Ông Hà dẫn chứng, hai ngân hàng thương mại cổ phần có mức vốn chủ sở hữu lớn nhất là Công Thương (Vietinbank) và BIDV thì mức vốn hiện cũng chỉ lần lượt đạt 2,55 tỷ USD và 1,85 tỷ USD.
Chí Hiếu